Sức khỏe Vinalines nhìn từ những con số
(HQ Online)- Doanh thu 6 tháng đạt 7.624 tỷ đồng, lợi nhuận khoảng 41 tỷ đồng và dư nợ giảm 78%... là những tín hiệu khả quan của Vinalines để hút các nhà đầu tư. Dường như công cuộc tái cơ cấu của Vinalines này đang tiến triển khả quan.
Tái cơ cấu mạnh mẽ
Trong năm 2018, Vinalines đã đặt ra các chỉ tiêu kế hoạch sản xuất kinh doanh cụ thể như sản lượng vận tải biển đạt 21,5 triệu tấn, sản lượng hàng hóa thông qua cảng đạt 97,8 triệu tấn; doanh thu đạt 13.638 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 668 tỷ đồng.
Để đạt được những mục tiêu trên, Vinalines sẽ tiếp tục thực hiện tái cơ cấu đội tàu một cách mạnh mẽ (thông qua hợp nhất, sáp nhập) và tập trung bán các tàu kinh doanh thua lỗ nhằm giảm chi phí, cắt lỗ cho các doanh nghiệp kinh doanh vận tải biển.
Đồng thời, tiếp tục triển khai thực hiện các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng và trang thiết bị để nâng cao năng lực hoạt động kinh doanh khai thác cảng biển, trong đó tập trong thực hiện các hạng mục công trình tại cảng Hải Phòng, cảng Vinalines Đình Vũ, cảng Đà Nẵng, cảng Sài Gòn – Hiệp Phước và cảng ngũ cốc chuyên dụng tại khu vực cảng cửa ngõ quốc tế Lạch Huyện…
Theo báo cáo của Vinalines, 6 tháng đầu năm nay, Vinalines đạt doanh thu khoảng 7.624 tỷ đồng, tăng 12,5% so với cùng kỳ năm 2017, bằng 55,9% so với kế hoạch. Lợi nhuận khoảng 41 tỷ đồng, bằng 6,1 % so với kế hoạch. Trong đó, sản lượng vận tải biển khoảng 11,8 triệu tấn, tăng 24,9% so với cùng kỳ năm 2017; sản lượng hàng thông qua cảng khoảng 49,3 triệu tấn, tăng 33,5% so với cùng kỳ năm trước đó. So với kế hoạch năm 2018, các chỉ số về doanh thu, sản lượng hàng hóa vận chuyển, sản lượng hàng hóa thông qua cảng ước thực hiện đều đạt trên 50%.
Mục tiêu sản xuất kinh doanh những tháng còn lại của năm 2018 được Vinalines đặt ra là sản lượng vận tải biển đạt 21,5 triệu tấn; sản lượng hàng hóa thông qua cảng đạt 97,8 triệu tấn; doanh thu đạt 13.638 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế đạt 668 tỷ đồng.
Hiện Vinalines đang triển khai thực hiện các bước tiếp theo của quá trình cổ phần hóa. Dự kiến, việc bán đấu giá cổ phần lần đầu (IPO) vào ngày 5/9 với hơn 488.818.130 cổ phần, tương đương 34,8% vốn điều lệ. Mức giá khởi điểm 10.000 đồng/cổ phần và chính thức chuyển sang công ty cổ phần trong quý IV/2018. Đáng chú ý, ngoài tỷ lệ cổ phần 34,8% bán đấu giá công khai, Nhà nước vẫn nắm giữ 65% vốn điều lệ của Công ty mẹ - Tổng công ty Hàng hải Việt Nam, tương đương 912.993.770 cổ phần, còn cổ phần bán cho công nhân viên, công đoàn là gần 2,8 triệu cổ phần (0,2%).
Phát triển thị trường linh hoạt
Một điểm sáng trong những tháng vừa qua, đó là việc Công ty mẹ-Tổng công ty đã xử lý giảm nợ được 109 tỷ đồng. Sự phục hồi của Vinalines đã giúp tổng dư nợ hiện tại của Vinalines đã giảm xuống chỉ còn 2.559 tỷ đồng (giảm 78% so với thời điểm trước tái cơ cấu năm 2014). Các doanh nghiệp thành viên của Tổng công ty tiếp tục thực hiện tái cơ cấu nợ tại các ngân hàng thương mại theo hướng đàm phán giãn thời gian trả nợ, giảm lãi suất cho vay.
Bên cạnh đó, Vinalines cũng đang tiếp tục xử lý những tài sản gây thua lỗ, kinh doanh không hiệu quả nhằm tinh gọn tài sản. Trong những tháng qua, Vinalines đã thực hiện bán 3 tàu với tổng trọng tải 0,062 triệu tấn. Đội tàu hiện còn 81 chiếc với tổng trọng tải khoảng 1,73 triệu tấn (giảm 50% tổng trọng tải đội tàu trước thời điểm tái cơ cấu).
Tổng công ty đã hoàn thiện hồ sơ để thực hiện thoái vốn tại 3 doanh nghiệp gồm Công ty cổ phần Vận tải và Thuê tàu biển Việt Nam, Công ty cổ phần Hợp tác lao động với nước ngoài, Công ty cổ phần Vận tải biển Hải Âu. Tiếp tục thực hiện thoái vốn, giảm vốn của Tổng công ty tại các doanh nghiệp thành viên theo kế hoạch đã được Bộ Giao thông vận tải phê duyệt; tiếp tục thực hiện tái cơ cấu các khoản nợ vay còn lại của Công ty mẹ-Tổng công ty và các doanh nghiệp thành viên tại các tổ chức tín dụng; xử lý những tài sản gây thua lỗ nhằm cắt lỗ, tinh gọn tài sản; từng bước thay đổi mô hình quản trị, thực hiện tái cơ cấu quản trị doanh nghiệp, xây dựng văn hóa doanh nghiệp phù hợp theo mô hình Công ty cổ phần.
Trong thời gian sắp tới, Tổng công ty sẽ thu gọn quy mô hoạt động vận tải biển, chỉ xem xét tăng quy mô ở một số phân khúc tàu chuyên dụng (tàu container, tàu vận tải than khối lượng lớn) và tiếp tục phát triển vận tải container tuyến nội Á và feeder khu vực các cảng nước sâu. Bên cạnh đó là nâng cao chất lượng và hiệu quả kinh doanh dịch vụ vận tải biển, đáp ứng nhu cầu vận tải biển nội địa; tập trung khai thác tối đa lợi thế trên tuyến vận tải trong nước, các tuyến biển gần đối với các loại hàng truyền thống.
Để mở ra cơ hội phát triển kinh doanh cho các đơn vị, ngoài kết nối các cảng chính như Cảng Hải Phòng, Cảng Sài Gòn, Cảng Đà Nẵng, Tổng công ty sẽ linh hoạt bố trí tàu ghé thêm các cảng khác như Cần Thơ, Cam Ranh,… khi khách hàng có nhu cầu vận chuyển đủ lớn và phù hợp với tính toán chi phí của các công ty. Bên cạnh đó, Tổng công ty sẽ duy trì và mở rộng các dịch vụ vận tải khác nhằm chủ động và đa dạng hóa các dịch vụ cung cấp cho khách hàng.