Sản xuất cầm chừng chờ hạn ngạch nhập muối CN
Mặc dù đã sáu tháng trôi qua kể từ thời điểm đáng lẽ phải được Bộ Công Thương giao hạn ngạch nhập khẩu muối công nghiệp nhưng đến giờ phút này, tất cả các doanh nghiệp hóa chất, dược phẩm vẫn chỉ biết “dài cổ” chờ và chờ trong khi sản xuất bị đình đốn, cầm chừng do thiếu nguyên liệu để sản xuất.
Sẽ thiếu dịch truyền khi dịch bệnh xảy ra
Bà Phan Thị Lan Hương, Phó tổng Giám đốc Công ty Cổ phần hóa dược phẩm Mekophar cho biết, năm 2012, công ty đã được Cục Quản lý Dược duyệt nhập khẩu 2.100 tấn muối tinh khiết dùng trong ngành dược để sản xuất thuốc dịch truyền cho các bệnh viện.
Công ty đã làm hồ sơ xin hạn ngạch nhập khẩu muối năm 2012 gửi Bộ Công Thương từ đầu tháng 5/2012 nhưng đến giờ vẫn chưa nhận được giao hạn ngạch. Trong khi đó, việc nhập muối công nghiệp này rất cần thiết bởi đây là loại muối dùng trong y tế, sản xuất theo tiêu chuẩn y tế của Hoa Kỳ mà tiêu chuẩn muối trong nước hiện nay chưa đáp ứng được.
Trong công văn xin hạn ngạch nhập khẩu muối lần thứ hai vào ngày 29/6/2012 vừa qua, Công ty cổ phần hóa dược phẩm Mekophar cho biết, loại muối này dùng sản xuất dịch truyền phục vụ các bệnh viện và công tác phòng chống dịch. Nếu vì lý do khách quan, bất khả kháng, công ty Mekophar không có đủ nguyên liệu sản xuất dẫn đến không thể cung ứng kịp thời thuốc theo yêu cầu của Bộ Y tế khi có dịch bệnh xảy ra.
Cùng cảnh khó khăn như Công ty cổ phần hóa dược phẩm Mekophar, ông Đào Quang Tuyến - Giám đốc Công ty Cổ phần hóa chất Việt Trì chia sẻ, do chưa được phân giao hạn ngạch nên từ đầu năm đến nay, Công ty đã phải nhập khẩu 14.000 tấn muối ngoài hạn ngạch với mức thuế suất 50%, cao hơn 40% so với mức thuế suất trong hạn ngạch để đảm bảo công nhân có công ăn việc làm và sản xuất không bị đình đốn.
Tuy nhiên, khó khăn chưa phải đã hết bởi theo Thông tư số 111/2012/TT-BTC ngày 4/7/2012 của Bộ Tài chính, mức thuế nhập khẩu muối ngoài hạn ngạch sẽ nâng lên là 60% thay vì 50% như hiện tại. Do vậy, việc nhập khẩu ngoài hạn ngạch với giá thành nguyên liệu đầu vào cao ngất ngưởng này, Công ty sẽ không thể đủ khả năng tài chính để duy trì sản xuất bởi giá bán sản phẩm đầu ra là xút-clo phải cạnh tranh khốc liệt với giá sản phẩm nhập ngoại.
Với dây chuyền sản xuất 20.000 tấn xút-clo/năm, Công ty cần khoảng 25.000 tấn muối công nghiệp cho sản xuất. Vì vậy, nếu Công ty vẫn tiếp tục không được cấp hạn ngạch nhập khẩu muối công nghiệp, Công ty chỉ còn nước ngừng sản xuất và hàng trăm công nhân sẽ không có việc làm, ông Tuyến khẳng định.
Chỉ giao hạn ngạch khi hai Bộ đồng thuận
Lý giải về sự chậm chễ trong việc phân giao hạn ngạch nhập khẩu muối cho các doanh nghiệp, Cục trưởng Cục Hóa chất-Bộ Công Thương, ông Phùng Hà cho biết, theo cam kết gia nhập WTO và Nghị định số 12/2006/NĐ-CP ngày 23/1/2006, muối không phải là mặt hàng cấm nhập khẩu và được quản lý nhập khẩu theo hạn ngạch thuế quan.
Theo quy định của Nghị định, hàng năm Bộ Công Thương trao đổi thống nhất với các Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Tài chính để công bố lượng hạn ngạch thuế quan nhập khẩu muối. Trên cơ sở đó, Bộ Công Thương cấp giấy phép nhập khẩu cho các thương nhân trực tiếp sử dụng muối làm nguyên liệu phục vụ sản xuất tiêu thụ trong nước.
Tuy nhiên, giao hạn ngạch nhập khẩu muối công nghiệp vẫn là một vấn đề nhạy cảm, cần có sự đồng thuận cao giữa liên Bộ: Nông nghiệp-Phát triển Nông thôn và Công Thương. Thậm chí, ngay cả việc hai Bộ đã thống nhất thì việc phân bổ hạn ngạch vẫn cực kỳ khó khăn bởi vấp phải sự chỉ trích gay gắt của dư luận, ông Hà thừa nhận. Do có sự đánh đồng giữa muối thông thường được sản xuất bởi diêm dân trong nước và muối công nghiệp với các tiêu chuẩn cụ thể không lẫn tạp chất, việc giao hạn ngạch nhập khẩu muối công nghiệp vẫn bị hiểu nhầm là sẽ “bóp chết” nghề sản xuất muối của diêm dân Việt Nam.
Thực tế cho thấy, ngay cả các công ty sản xuất muối trong nước có quy mô lớn như Công ty Cổ phần muối Thông Thuận (Bình Thuận), Công ty muối Quán Thẻ (Ninh Thuận), hay Công ty Cổ phần muối Ninh Thuận đều thừa nhận chưa đủ khả năng cung cấp nguyên liệu muối công nghiệp cho các doanh nghiệp hóa chất, dược phẩm trong nước bởi chưa đáp ứng được cả về chất lượng lẫn số lượng muối công nghiệp.
Đại diện Công ty Cổ phần hóa chất Việt Trì còn cho biết, Công ty đã dùng thử muối sản xuất trong nước để làm nguyên liệu cho sản xuất hóa chất nhưng không thể sử dụng được bởi muối sản xuất trong nước có hàm lượng tạp chất quá lớn, độ ẩm cao, chất lượng muối không đồng đều. gây phá hủy máy móc thiết bị cũng như không đảm bảo đủ điều kiện cho sản xuất hóa chất. Theo đó, để cố dùng dùng muối trong nước làm nguyên liệu thay thế muối công nghiệp, mỗi năm Công ty sẽ phải mất 10 tỷ đồng cho công tác xử lý chất lượng muối.
Theo Cục trưởng Phùng Hà, để tạo sự đồng thuận cao trong toàn xã hội, năm nay, hai Bộ đã thống nhất sẽ tổ chức họp báo chung công khai trước khi giao hạn ngach nhập muối. Đây là việc “cực chẳng đã” và sự chậm chễ trong cấp hạn ngạch này đúng là gây khó khăn cho doanh nghiệp nhưng hai Bộ cũng không thể vội vã cần có sự đồng thuận của dư luận, đảm bảo hài hòa sự phát triển của hai ngành sản xuất muối và sản xuất hóa chất.
Dự kiến trong thời gian tới, liên Bộ: Công Thương - Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn sẽ họp báo về việc phân bố hạn ngạch muối công nghiệp đợt 2 (sáu tháng cuối năm 2012).
Năm 2012, hạn ngạch nhập khẩu muối công nghiệp là 102.000 tấn, được phân chia đều thành 2 đợt, trong đó muối công nghiệp dùng cho y tế là 2.000 tấn. Tuy nhiên, do thời gian cấp hạn ngạch đợt 1 đã trôi qua quá lâu nên khả năng hạn ngạch đợt 2 sẽ chỉ còn khoảng 50.000-60.000 tấn, ông Hà cho biết./.
(Theo Nguyễn Kim Anh/TTXVN)