Trung Quốc phá giá Nhân dân tệ: Không nên quá hốt hoảng
(HQ Online)- Trước động thái phá giá liên tục đồng Nhân dân tệ, nhiều chuyên gia bày tỏ nỗi lo về tác động bất lợi cho kinh tế Việt Nam nói chung và nhập siêu nói riêng. Tuy nhiên, trao đổi với phóng viên Báo Hải quan, chuyên gia kinh tế Bùi Trinh lại có quan điểm khác.
Đã có nhiều ý kiến bày tỏ lo ngại Trung Quốc phá giá đồng Nhân dân tệ sẽ ảnh hưởng lớn đến Việt Nam, trước mắt là khiến nhập siêu từ Trung Quốc ngày càng tăng cao. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào, thưa ông?
Trung Quốc phá giá đồng Nhân dân tệ sẽ khiến hàng hóa của nước này đã rẻ lại càng rẻ hơn và nhiều người cho rằng như thế hàng Việt Nam sẽ không cạnh tranh được và tình hình nhập siêu với Trung Quốc thêm trầm trọng. Theo tôi, điều này là không đáng lo ngại.
Bởi trong thực tế Việt Nam nhập khẩu từ Trung Quốc 60% là nguyên vật liệu, trên 30% cho máy móc thiết bị và chỉ khoảng gần 10% cho tiêu dùng cuối cùng. Như vậy việc giá hàng nhập khẩu nguyên vật liệu của Trung Quốc giảm sẽ có lợi cho ta.
Kinh tế Việt Nam là nền kinh tế gia công, không có công nghiệp phụ trợ nên khi sản xuất hầu như phải nhập khẩu. Nếu không nhập khẩu sản phẩm từ Trung Quốc thì cũng phải nhập từ nước khác nếu không muốn sản xuất ngưng trệ.
Hàng tiêu dùng chỉ 10%, nhưng nếu cộng cả phần nhập khẩu phi chính thức từ Trung Quốc thì hàng tiêu dùng từ Trung Quốc nhập về Việt Nam cũng rất lớn? Ngoài ra, việc hàng Trung Quốc giá rẻ có lợi thế sẽ cũng có thể khiến doanh nghiệp Việt mất thị phần ở nước ngoài nữa, ông đánh giá thế nào về vấn đề này?
Tôi cho rằng, đã đến lúc các cơ quan chức năng cần làm rõ xem trong số chênh lệch này bao nhiêu % là do kỹ thuật và bao nhiêu % là lượng hàng hóa của Trung Quốc thực sự vào Việt Nam. Trong số 20 tỷ USD chênh lệch trong năm 2014 nhập khẩu hàng tiêu dùng cũng không phải nhiều.
Việc chênh lệch này còn do sự ghi chép về giá trị hàng nhập so với giá thực tế.
Ngay sau khi Trung Quốc phá giá Nhân dân tệ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã nới biên độ tỷ giá thêm 1%. Ông có bình luận gì về động thái này?
Việc nhập khẩu từ Trung Quốc khi giá nhập khẩu rẻ hơn sẽ làm chỉ số giá sản xuất (PPI) giảm và GDP tăng. Tôi nghĩ việc nới biên độ tỷ giá ngay khi Trung Quốc phá giá là hơi nóng vội. Trung Quốc là nước xuất siêu, khi nghiên cứu bảng cân đối liên ngành của Trung Quốc cho thấy tỷ lệ nhập khẩu trong chi phí trung gian không nhiều như Việt Nam, nên Trung Quốc phá giá mà Việt Nam phá giá theo là rất sai lầm.
Còn đối với xuất khẩu, nhiều ý kiến băn khoăn cho rằng hàng Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc sẽ đắt hơn hàng Trung Quốc, làm giảm sức cạnh tranh của hàng Việt Nam. Để giải quyết vấn đề này, thay vì nới tỷ giá, tại sao không nhân dịp này giảm chi phí (phí, và các chi phí ngầm khác). Bởi vì động vào tỷ giá như con dao 2 lưỡi đặc biệt vấn đề nợ nần...
Nền sản xuất của Việt Nam dựa vào nhập khẩu nguyên vật liệu và máy móc thiết bị, theo tính toán cho thấy xuất khẩu của Việt Nam ngày càng ít lan tỏa đến giá trị gia tăng mà chỉ lan tỏa đến nhập khẩu. Giả sử, khi VNĐ mất giá 2% sẽ khiến chi phí trung gian chung của nền kinh tế tăng lên do giá trị nhập khẩu tăng lên và chỉ số giá sản xuất (PPI) ngay chu kỳ sản xuất đầu tiên tăng lên 0,43% và chu kỳ sản xuất tiếp theo chỉ số giá này tăng lên 0,52% và GDP có thể giảm 0,21%.
Ngoài ra có thể thấy Trung Quốc phá giá đồng Nhân dân tệ không nhằm vào nước nào mà thực chất là chữa "lửa gần". Việc phá giá đồng tiền thực chất là con dao hai lưỡi, nhất là với các khoản nợ và các khoản cho vay. Việc phá giá đồng tiền phải đi kèm với những cải cách về thể chế và cấu trúc kinh tế. Nếu không nó sẽ quay ngược lại và nền kinh tế rất dễ sụp đổ".
Tuy nhiên một số ý kiến vẫn muốn Ngân hàng Nhà nước nới thêm biên độ tỷ giá?
Việc một số chuyên gia và phương tiện truyền thông đẩy cao những lo ngại về Trung Quốc phá giá Nhân dân tệ có thể dẫn đến hệ quả rất nghiêm trọng là người dân hoang mang đua nhau rút tiền tiết kiệm mua USD. Hôm nay rất nhiều người gọi điện và viết thư hỏi tôi mua vàng hay USD để làm nơi trú ẩn.
Nếu Ngân hàng Nhà nước nghe các chuyên gia nới thêm biên độ tỷ giá thì sẽ thành một làn sóng vô cùng nguy hiểm. Nó có thể dẫn đến rối loạn thị trường vàng, USD, đẩy giá USD thị trường tự do lên tạo áp lực lên tỷ giá.
Một vấn đề thuộc về vĩ mô nữa là khi người dân rút tiền tiết kiệm để trú ẩn vào kênh USD và vàng thì tiết kiệm không thành vốn mà chỉ là tiền tệ, lúc đó sẽ kéo nền kinh tế suy trầm... Đấy là điều cần chú ý.
Ông nói không nên điều chỉnh tỷ giá, nhưng đã có nhiều ý kiến nêu đồng tiền Việt Nam đang được định giá trên giá trị thực, tức đúng ra nó phải mất giá nhiều hơn nữa. Ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?
Đúng là đồng tiền Việt Nam đang được định giá trên giá trị thực và có ý kiến muốn phá giá nhiều hơn. Nhưng tôi ủng hộ quan điểm của Ngân hàng Nhà nước về vấn đề tỷ giá. Vấn đề là cần tập trung vào cải cách thể chế và cấu trúc kinh tế.