Áp thuế chống bán phá giá tạm thời thép hình chữ H
(HQ Online)- Bộ Công Thương quyết định áp thuế chống bán phá giá tạm thời đối với một số sản phẩm thép hình chữ H nhập khẩu vào Việt Nam, với mức thuế từ 21,18 đến 36,33%. Việc áp thuế sẽ được thực hiện từ ngày 5/4.
Bộ Công Thương vừa ban hành Quyết định số 957/QĐ-BCT về việc áp dụng biện pháp chống bán phá giá tạm thời đối với một số mặt hàng thép hình chữ H nhập khẩu vào Việt Nam, có xuất xứ Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (bao gồm cả Hồng Kông), có mã HS 7216.33.00, 7228.70.10, 7228.70.90 (mã vụ việc AD03).
Theo đó, biện pháp chống bán phá giá tạm thời được áp dụng dưới hình thức thuế nhập khẩu bổ sung. Cụ thể, sản phẩm của công ty Heibei Jinxi Iron and Steel Group Co., Ltd và Hebei Jinxi Section Steel Co., Ltd sẽ bị áp thuế tạm thời là 29,4%.
Sản phẩm của công ty Rizhao Steel Holding Group Co., Ltd và Rizhao Medium Section Mill Co., Ltd bị áp thuế tạm thời là 21,18%.
Các công ty sản xuất (hoặc xuất khẩu khác) của Trung Quốc sẽ bị áp thuế 36,33%.
Biện pháp chống bán phá giá tạm thời được áp dụng trong 120 ngày kể từ ngày có hiệu lực (ngày 5/4), tức là đến hết ngày 2/8/2017.
Biện pháp chống bán phá giá tạm thời sẽ chấm dứt hiệu lực trong các trường hợp: Sau ngày 2/8; hoặc Bộ trưởng Bộ Công Thương ra quyết định áp dụng biện pháp chống bán phá giá chính thức trong khoảng thời gian 120 ngày nêu trên.
Trong trường hợp quyết định cuối cùng của Bộ trưởng Bộ Công Thương cho thấy việc áp dụng biện pháp chống bán phá giá là không cần thiết hoặc mức thuế chống bán phá giá cuối cùng thấp hơn mức thuế chống bán phá giá tạm thời đã áp dụng thì khoản chênh lệch về thuế sẽ được hoàn trả cho người nộp thuế theo quy định của pháp luật.
Trong trường hợp mức thuế chống bán phá giá cuối cùng cao hơn mức thuế chống bán phá giá tạm thời đã áp dụng thì người nộp thuế không phải nộp thêm khoản chênh lệch về thuế.
Do lượng nhập khẩu hàng hóa bị điều tra từ Trung Quốc chiếm tới 90,15% tổng lượng nhập khẩu hàng hóa bị điều tra vào Việt Nam, với biện độ bán phá giá từ 21,18% đến 36,33%, Bộ Công Thương cho rằng, việc chậm áp dụng biện pháp chống bán phá giá tạm thời sẽ ngăn cản đáng kể sự hình thành của ngành sản xuất trong nước và khó có thể khắc phục được.
Trước đó, bên yêu cầu áp dụng biện pháp chống bán phá giá là Công ty TNHH Posco SS Vina với cáo buộc hàng hóa nhập khẩu cản trở đáng kể sự hình thành của ngành sản xuất trong nước.
Quá trình điều tra gồm hai giai đoạn gồm: Giai đoạn từ ngày 1/4/2015 đến 31/3/2016 điều tra hành vi bán phá giá (POI), giai đoạn từ ngày 1/4/2013 đến 31/3/2016 điều tra thiệt hại của ngành sản xuất trong nước.