Áp lực và cơ hội với TTCK tuổi 18
TTCK Việt Nam vừa bước sang tuổi 18, cũng là lúc ngành chứng khoán có lãnh đạo mới khi Chủ tịch Hội đồng quản trị Sở Giao dịch chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HOSE) Trần Văn Dũng được giao nhiệm vụ Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.
Từ bên ngoài thị trường, nhiều ý kiến chia sẻ niềm tin, tuổi 18, TTCK mang trong mình nguồn năng lượng và khát vọng bứt phá lớn. Tuy nhiên, để bước sang một giai đoạn mới, thay đổi về chất so với những năm đầu tạo dựng, đòi hỏi phải có những cú nhảy vọt về tư duy và hành động. Ðây vừa là cơ hội, vừa là thách thức mà lãnh đạo ngành chứng khoán phải vượt qua.
Trước thời điểm ngành chứng khoán có Chủ tịch mới, dư luận đã râm ran bàn thảo về câu chuyện này với kỳ vọng, lãnh đạo mới sẽ thúc đẩy một việc “tồn đọng” khá lâu, đó là hợp nhất 2 Sở GDCK.
Việc hợp nhất Sở nằm trong tầm quyết của Chính phủ (năm 1998, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định thành lập Trung tâm Giao dịch chứng khoán TP. HCM và Trung tâm Giao dịch chứng khoán Hà Nội), nhưng diễn tiến này sẽ mang lại giá trị mới nếu các vấn đề về kỹ thuật cũng như nhân sự trong ngành được sắp xếp hiệu quả.
Bên cạnh câu chuyện tái cấu trúc Sở, điều được nhiều thành viên mong đợi là các chính sách cụ thể, thúc đẩy TTCK bước lên các nấc thang cao hơn.
Chẳng hạn, triển khai nghiệp vụ T+0; bán chứng khoán chờ về; thúc đẩy hình thành hệ thống quỹ hưu trí tự nguyện; tháo gỡ vướng mắc trong áp dụng cơ chế nới tỷ lệ sở hữu cổ phiếu tối đa (room) cho nhà đầu tư nước ngoài…
Bên cạnh đó, nhiều nhà đầu tư cũng nêu câu chuyện nâng hạng thị trường, đang cần sự quan tâm trọng yếu của ngành chứng khoán để không mất đi cơ hội biến sự quan tâm của nhà đầu tư ngoại thành dòng tiền chảy vào DN Việt.
Một khoảng trống khác là việc xây dựng thị trường trái phiếu doanh nghiệp, làm thế nào để thị trường này lớn lên, khắc phục tình trạng phát triển manh mún, èo uột, kém minh bạch như hiện nay?
Ðể chuẩn bị cho giai đoạn TTCK phát triển theo chiều sâu, cơ hội và áp lực với tân Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước là không nhỏ.
Cơ hội đến từ việc Luật Chứng khoán đã được Quốc hội lên lịch xem xét, sửa đổi vào năm 2018, đây là thời điểm tốt nhất để sửa những vướng mắc lớn và bổ sung những chính sách mang tầm tư duy chiến lược, có khả năng thúc đẩy sự phát triển của TTCK Việt Nam.
Cơ hội là ở việc Chính phủ quyết liệt cổ phần hóa DNNN, quyết liệt đốc thúc các DN đại chúng phải minh bạch, phải đưa cổ phiếu lên sàn. Cơ hội cũng ở quy mô TTCK hiện nay khác hoàn toàn so với 17 năm trước.
Giá trị thị trường cổ phiếu và trái phiếu trên sàn chứng khoán hiện chiếm 70% GDP trong khi năm 2000 chỉ có 0,6% GDP; thị trường có sự tham gia của nhiều chủ thể, trong đó có không ít các nhà đầu tư chuyên nghiệp, các công ty chứng khoán đã lớn mạnh vươn tầm, các DN niêm yết giá trị vốn hóa hàng tỷ USD...
Tân Chủ tịch UBCK đã chia sẻ thông điệp với thị trường, rằng sẽ tiếp nối con đường xây giá trị cho TTCK Việt Nam, lắng nghe thị trường, kiên định xây dựng văn hóa minh bạch, quản trị hiệu quả và phát triển bền vững.
Thực tế, không một chính sách nào có thể thực thi được nếu thiếu sự hợp sức từ các thành viên. Và cũng không một chính sách nào hiệu quả được nếu thiếu đi sự cân nhắc thấu đáo về rủi ro và cơ hội, xét theo mục tiêu cao nhất là xây dựng TTCK lành mạnh, là kênh dẫn vốn trung và dài hạn chủ yếu của nền kinh tế.
Thị trường đặt nhiều kỳ vọng vào TTCK tuổi 18, vào lãnh đạo mới của ngành, vượt thách thức để đi lên.