"Chiến tranh Lạnh mới" tại Syria
(HQ Online)- Nếu cuộc chiến ở Syria chỉ thực sự liên quan đến mỗi quốc gia này hoặc chỉ nhằm đánh bại tổ chức "Nhà nước Hồi giáo" (IS) thì những rắc rối trong khu vực đã có thể được giải quyết ổn thỏa. Tuy nhiên, việc Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ máy bay cường kích của Nga mới đây là hành động chính trị điển hình thời Chiến tranh Lạnh.
Các cường quốc toàn cầu đang rơi vào bế tắc liên quan tới cơ cấu quyền lực hậu IS trong khu vực. Chính điều này tạo cho IS có thêm thời gian để tiến hành tuyên truyền, tuyển mộ và tấn công các thành phố ở phương Tây. Dưới danh nghĩa chống IS, các nước trong khu vực đã đặt lợi ích của họ lên trên. Nếu Thổ Nhĩ Kỳ có xu hướng nghiêng về ném bom lực lượng người Kurd chứ không phải các tay súng IS, Saudi Arabia gián tiếp hậu thuẫn cho IS để ngăn chặn ảnh hưởng ngày càng tăng của Iran trong khu vực. Trong khi đó, Mỹ được cho là đang chống IS nhưng đồng thời ủng hộ Saudi Arabia.
Những gì diễn ra ở Syria đã bộc lộ rõ nét cơ cấu quyền lực toàn cầu và trật tự quốc tế. Cuộc chiến hiện nay ở Syria nghiêng nhiều hơn về va chạm lợi ích của các cường quốc. Syria ngày nay được cho là hiện thân của Afghanistan năm 1980 hay Hàn Quốc những năm 1950. Bi kịch đối với Syria và người dân nước này là các cường quốc thế giới có mặt và đối đầu trực tiếp ngay trên đất nước của họ để tranh giành điều mà những nước này cho là "lợi ích quốc gia". Trong khi các cường quốc thế giới và khu vực nỗ lực tái định hình cơ cấu quyền lực hậu IS theo ý muốn của họ, hàng triệu người Syria đang chết dần hoặc phải rời bỏ đất nước.
Những gì diễn ra tại Syria chứng minh rằng bất chấp sự tiến bộ và đi lên của xã hội loài người, phương Nam tiếp tục nằm dưới sự chi phối của phương Bắc. Các cường quốc có thể không còn thuộc địa, nhưng thay vào đó họ có "lợi ích quốc gia" ở những vùng xa xôi như Afghanistan hay Syria. Bất chấp những ngôn từ hoa mỹ như "phi thực dân hóa" kể từ Chiến tranh Thế giới thứ II, thực tế là Trung Đông và nhiều quốc gia khác từng là thuộc địa vẫn nằm dưới cái bóng của cái gọi là "lợi ích quốc gia".
Cuộc khủng hoảng ở Syria cũng cho thấy ưu tiên đối của các cường quốc toàn cầu không phải là đánh bại IS mà là đảm bảo "quyền" được sắp xếp trật tự khu vực hậu IS. Điều này cũng nhắc nhở một bài học rõ ràng: Làm suy yếu các thể chế và dàn xếp việc điều hành một đất nước thông qua sự chiếm giữ của nước ngoài, ném bom và phá hoại tạo không gian cho các tổ chức khủng bố nảy sinh. Afghanistan, Iraq, Libya, Sudan và Syria hiện nay đều thể hiện sự thiếu thận trọng của các cường quốc khi xóa bỏ các thể chế cầm quyền ở những nước này, tạo điều kiện để các tổ chức khủng bố như IS nắm quyền kiểm soát.
Tờ nhật báo cánh hữu "Libero" (Italy) số ra mới đây nhận định phương Tây đã mắc một sai lầm nghiêm trọng khi đứng ra bảo vệ cho Thổ Nhĩ Kỳ chơi trò hai mặt. Việc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và Mỹ không đứng về phía Nga trong cuộc chiến chống IS là "một sai lầm nghiêm trọng". Những hành động của Thổ Nhĩ Kỳ, sau đó là sự bảo vệ của NATO và Mỹ cho thấy đó thực chất là một "liên minh chống Putin".
Một khi cuộc khủng hoảng Syria chưa tách rời hành động chính trị kiểu Chiến tranh Lạnh với các "lợi ích quốc gia" của các cường quốc bên ngoài giữ vai trò chi phối, thì Syria vẫn sẽ phải đi tiếp trên con đường hủy diệt, thậm chí có thể còn "kích hoạt" một cuộc chiến tranh rộng lớn hơn không chỉ ở Trung Đông mà còn trên các đường phố của các nước phát triển, giống như đã xảy ra ở Paris (Pháp) vừa qua.