Top 10 công ty công nghệ uy tín năm 2025 sẵn sàng “vươn mình” cùng “bệ phóng” chính sách
Báo cáo Top 10 Công ty Công nghệ uy tín năm 2025 do Công ty Cổ phần Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) công bố ngày 20/6/2025 cho thấy, ngành Công nghệ thông tin – Viễn thông (CNTT-VT) không chỉ đang đóng vai trò trụ cột trong nền kinh tế mà còn trở thành động lực trung tâm thúc đẩy quá trình chuyển đổi số quốc gia. Sự lớn mạnh này không chỉ đến từ nội lực doanh nghiệp mà còn nhờ hệ sinh thái chính sách đang dần chuyển đổi theo hướng linh hoạt, mở đường và tạo cơ hội.
Nội lực vững vàng để vươn tầm khu vực và toàn cầu
![]() |
Bệ đỡ chính sách cho đổi mới sáng tạo và phát triển công nghệ |
Trong hai thập kỷ qua, Việt Nam đã đi rất nhanh trên con đường hội nhập công nghệ toàn cầu nhờ những bước chuyển mạnh mẽ từ tư duy “quản lý – kiểm soát” sang “dẫn dắt – kiến tạo”.
Nổi bật là Nghị quyết 57-NQ/TW của Bộ Chính trị – cột mốc quan trọng định hình tư duy mới trong quản trị khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, mạnh dạn chấp nhận rủi ro, khuyến khích đầu tư mạo hiểm, và trao quyền sáng tạo cho doanh nghiệp, viện nghiên cứu và nhà khoa học.
Cùng với đó, Luật Công nghiệp Công nghệ số và dự thảo Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo (sửa đổi) đang góp phần chuyển trọng tâm chính sách về phía doanh nghiệp – tạo điều kiện để họ được tự chủ, được hỗ trợ tài chính và có cơ hội thương mại hóa kết quả nghiên cứu.
Chỉ tính riêng giai đoạn 2024–2025, Việt Nam đã trình và ban hành hàng loạt chính sách bổ sung kịp thời nhằm tháo gỡ nút thắt: từ cơ chế ưu đãi R&D, hỗ trợ trung tâm dữ liệu, mở rộng visa chuyên gia, tới chính sách đặt hàng nghiên cứu, đấu thầu công nghệ và chuyển giao số.
Theo khảo sát của Vietnam Report, 100% doanh nghiệp trong Top 10 Công ty CNTT-VT uy tín năm 2025 đều khẳng định các chính sách của Chính phủ là "bệ phóng" then chốt cho sự tăng trưởng và khả năng cạnh tranh của họ.
Nhờ có hệ sinh thái chính sách kiến tạo này nên mặc dù chịu không ít sức ép cạnh tranh ngày càng gay gắt trong bối cảnh kinh tế - chính trị toàn cầu đầy biến động nhưng Top 10 doanh nghiệp công nghệ Việt Nam vẫn duy trì được đà tăng trưởng ấn tượng.
Những tên tuổi như Viettel, FPT, VNPT, CMC, VNPAY hay MISA là minh chứng tiêu biểu cho nội lực mạnh mẽ, định hướng chiến lược rõ ràng và khả năng thích ứng nhanh với biến động thị trường.
Chẳng hạn, Viettel với chiến lược đến năm 2045 đã không ngừng tái cấu trúc để trở thành tập đoàn công nghệ cao toàn diện, dẫn đầu trong các lĩnh vực dữ liệu, trí tuệ nhân tạo, an ninh mạng và công nghệ quân sự.
FPT tiếp tục mở rộng thị trường quốc tế, phát triển hệ sinh thái chuyển đổi số toàn diện, đặc biệt tập trung vào công nghệ dữ liệu lớn và AI.
Các công ty như VNPAY hay MISA nổi lên là những “người dẫn đường” trong lĩnh vực tài chính số và giải pháp quản trị cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Cùng với đó, các doanh nghiệp viễn thông lớn đang chuyển đổi từ mô hình truyền thống sang khai thác mạnh mẽ các dịch vụ số tích hợp như điện toán đám mây, trung tâm dữ liệu, nền tảng 5G và các dịch vụ giá trị gia tăng dựa trên dữ liệu.
Theo dự báo từ Gartner vào tháng 1/2025, chi tiêu toàn cầu cho CNTT trong năm 2025 sẽ đạt 5.618 tỷ USD, tăng gần 10% so với năm 2024. Trong đó, khu vực châu Á – Thái Bình Dương, nơi Việt Nam đóng vai trò chiến lược, đang trở thành động lực tăng trưởng mới. Đây là cơ hội vàng để doanh nghiệp Việt Nam vươn lên định vị lại vị thế trên bản đồ công nghệ khu vực.
Đã đến lúc vươn mình mạnh mẽ với vai trò sáng tạo
![]() |
Top 4 chiến lược ưu tiên của các doanh nghiệp công nghệ |
Dù đạt được những bước tiến quan trọng, nhưng phần lớn doanh nghiệp công nghệ Việt Nam vẫn đang hoạt động chủ yếu ở phân khúc gia công với giá trị gia tăng thấp, ít tạo ra sản phẩm mang bản sắc công nghệ Việt.
Theo thống kê từ Statista, gia công CNTT vẫn chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu dịch vụ ngành. Điều này phản ánh thực tế: Việt Nam đang là “trung tâm gia công hiệu quả về chi phí”, chứ chưa thực sự là “trung tâm đổi mới có chiều sâu”.
Khảo sát của Vietnam Report cũng chỉ ra rằng hơn 2/3 số doanh nghiệp cho rằng chi phí đầu tư R&D cao, thời gian hoàn vốn dài và rủi ro lớn đang là rào cản đáng kể trong việc tạo ra các sản phẩm công nghệ lõi.
Ngoài ra, liên kết giữa doanh nghiệp – viện trường – nhà nước vẫn còn lỏng lẻo, thiếu các cụm sáng tạo có khả năng cộng hưởng để tạo ra đột phá như tại nhiều quốc gia công nghệ hàng đầu.
Việc phụ thuộc vào công nghệ ngoại nhập cũng khiến nhiều doanh nghiệp trong nước chỉ đảm nhiệm các công đoạn dễ bị thay thế, thiếu khả năng cạnh tranh bền vững trong dài hạn. Nếu không kịp thời tái định vị, Việt Nam sẽ tiếp tục là người theo sau trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Do đó, khát vọng bứt phá không thể chỉ dừng lại ở khẩu hiệu. Các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam cần mạnh dạn thay đổi chiến lược: từ gia công sang sáng tạo, từ phục vụ sang dẫn dắt.
Đầu tư cho R&D cần được xem là chiến lược sống còn, đi cùng với xây dựng thị trường nội địa mạnh để làm bệ phóng ra khu vực.
Mặt khác, cần tăng cường hợp tác liên ngành, liên kết chặt chẽ với viện nghiên cứu, trường đại học và các quỹ đầu tư đổi mới sáng tạo.
Cơ hội chưa bao giờ rõ ràng như lúc này. Bệ phóng thể chế đã sẵn sàng, niềm tin thị trường đang tăng cao, năng lực doanh nghiệp ngày càng trưởng thành.
Những doanh nghiệp đủ tầm nhìn, bản lĩnh và khát vọng sẽ là động lực đưa ngành Công nghệ thông tin - Viễn thông Việt Nam vươn tầm quốc tế, không chỉ là người thừa hưởng xu hướng, mà là người kiến tạo tương lai.
|