14:04 | 20/06/2025

Cơ hội vàng để doanh nghiệp Việt nâng tầm thương hiệu và gia tăng xuất khẩu

Chính phủ vừa ban hành Chỉ thị số 18/CT-TTg vào ngày 18/6/2025, đặt ra các nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm nhằm xúc tiến thương mại trong và ngoài nước, với kỳ vọng sẽ tạo đà thúc đẩy mạnh mẽ cho hoạt động thương mại Việt Nam trong năm 2025. Đây được xem là một động thái chiến lược, mở ra nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp (DN) trong việc củng cố thương hiệu và gia tăng dòng chảy xuất nhập khẩu.

Xuất khẩu phương tiện vận tải và phụ tùng của Việt Nam đạt 6,7 tỷ USD Doanh nghiệp thành lập mới và quay trở tăng 11,3% FDI 5 tháng đầu năm tăng mạnh, vượt 18,3 tỷ USD
Cơ hội vàng để doanh nghiệp Việt nâng tầm thương hiệu và gia tăng xuất khẩu
Tăng cường xúc tiến thương mại sẽ giúp DN Việt củng cố thương hiệu và gia tăng xuất khẩu. Ảnh IT

Đẩy mạnh dòng chảy xuất khẩu

Mục tiêu chính của Chỉ thị là đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại phục vụ xuất khẩu, qua đó gia tăng thị phần hàng hóa Việt Nam tại cả các thị trường truyền thống và những thị trường đã có Hiệp định thương mại tự do (FTA) hoặc Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện (CEPA) với Việt Nam. Đồng thời, Chỉ thị cũng nhấn mạnh việc mở rộng và đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, giảm sự phụ thuộc vào một số thị trường tiềm ẩn rủi ro cao.

Bộ Công thương được giao trọng trách chủ trì xây dựng Kế hoạch tổng thể chương trình cấp quốc gia về xúc tiến thương mại giai đoạn 2025-2030 và tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại phục vụ xuất nhập khẩu. Cụ thể, các chương trình xúc tiến sẽ được triển khai đa dạng và chuyên sâu theo từng ngành hàng tại các thị trường trọng điểm như EU, Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, ASEAN, Ấn Độ, Trung Đông, châu Phi và khu vực Mỹ Latin. Đặc biệt, sẽ tập trung xúc tiến các mặt hàng có thế mạnh của Việt Nam tại các thị trường FTA/CEPA, thị trường ngách và thị trường mới nổi như thị trường sản phẩm Halal, Saudi Arabia, Ai Cập, UAE, Brazil, thị trường Bắc Phi.

Chỉ thị cũng yêu cầu tăng cường xúc tiến thương mại đối với các sản phẩm công nghệ cao, đặc biệt là trong các lĩnh vực bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, tự động hóa, máy móc, thiết bị và linh kiện, năng lượng tái tạo. Điều này mở ra cơ hội lớn cho các DN công nghệ Việt Nam.

Để nâng cao giá trị và vị thế sản phẩm Việt trên thị trường quốc tế, hệ thống Thương vụ, Văn phòng Xúc tiến thương mại, Trung tâm Giới thiệu sản phẩm Việt Nam tại nước ngoài sẽ tăng cường hỗ trợ DN cung cấp thông tin, tư vấn thị trường, kết nối với nhà nhập khẩu, phân phối, và quảng bá sản phẩm, thương hiệu. Các hoạt động quảng bá Chương trình và sản phẩm đạt Thương hiệu Quốc gia Việt Nam sẽ được mở rộng, đồng thời hỗ trợ DN xây dựng chiến lược thương hiệu bài bản và bảo hộ sở hữu trí tuệ ở nước ngoài. Việc lựa chọn và phát triển nhóm sản phẩm chủ lực gắn với Thương hiệu quốc gia cũng sẽ được đẩy mạnh thông qua hội chợ, triển lãm, sự kiện ngoại giao – văn hóa và nền tảng số.

Ngoài ra, Bộ Nông nghiệp và Môi trường sẽ phối hợp với Bộ Công thương và các địa phương để hướng dẫn DN, hợp tác xã, hộ nông dân áp dụng các tiêu chuẩn nông nghiệp bền vững (VietGAP, GlobalGAP), truy xuất nguồn gốc và các quy chuẩn quốc tế nhằm nâng cao khả năng tiếp cận thị trường nước ngoài. Việc áp dụng các tiêu chuẩn môi trường xanh, sạch, bền vững cũng được khuyến khích để đáp ứng yêu cầu của các thị trường cao cấp và giảm rủi ro từ rào cản kỹ thuật, thuế carbon.

Tăng cường năng lực hỗ trợ doanh nghiệp

Bên cạnh xuất khẩu, Chỉ thị cũng yêu cầu thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại để nhập khẩu hợp lý, hiệu quả, phù hợp với yêu cầu sản xuất, kinh doanh. Trong đó, tập trung vào việc xúc tiến nhập khẩu có chọn lọc đối với nguyên liệu đầu vào, linh kiện, thiết bị, công nghệ phục vụ sản xuất nhằm hỗ trợ DN trong nước nâng cao năng lực sản xuất, gia tăng giá trị sản phẩm để xuất khẩu, góp phần cân bằng cán cân thương mại tại các thị trường lớn như Hoa Kỳ, EU.

Thị trường trong nước cũng là một trọng tâm của Chỉ thị. Các chương trình khuyến mại tập trung, kết nối cung cầu, đẩy mạnh Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" sẽ được triển khai. Đặc biệt, thúc đẩy các hoạt động xúc tiến thương mại và phân phối hàng hóa qua nền tảng số, hỗ trợ cung cấp thông tin thị trường, tư vấn pháp lý cho DN để khơi thông thị trường trong nước được coi trọng.

Bộ Công thương sẽ chỉ đạo thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại phát triển thị trường nội địa, tăng cường liên kết vùng, liên kết ngành trong tiêu thụ sản phẩm, tổ chức các hội chợ, triển lãm quy mô quốc gia và khu vực, phát triển các mô hình "kết nối cung - cầu", "hội chợ hàng Việt lưu động", "đưa hàng Việt về nông thôn, khu công nghiệp, vùng sâu vùng xa" nhằm mở rộng độ phủ thị trường. Các chương trình khuyến mại tập trung trên phạm vi toàn quốc sẽ được tổ chức hiệu quả trong các tháng tiêu dùng thấp điểm và cuối năm với hình thức thiết thực, sáng tạo.

Các Hiệp hội ngành hàng được khuyến khích phối hợp chặt chẽ với Bộ Công thương và các bộ, ngành, địa phương trong triển khai các chương trình xúc tiến thương mại, chủ động đề xuất nội dung xúc tiến phù hợp với đặc thù ngành. Đặc biệt, các hiệp hội cần chủ động tham gia và thúc đẩy chuyển đổi số trong hoạt động xúc tiến thương mại, bao gồm ứng dụng nền tảng thương mại điện tử, logistics tiếp thị số, và các công cụ phân tích dữ liệu để hỗ trợ DN tiếp cận khách hàng hiệu quả.

Với những giải pháp đồng bộ và quyết liệt từ Chính phủ, năm 2025 hứa hẹn sẽ là một năm đầy cơ hội để các DN Việt Nam không chỉ củng cố vị thế ở các thị trường hiện có mà còn mạnh mẽ vươn ra thị trường quốc tế, xây dựng và khẳng định thương hiệu Việt trên bản đồ thương mại toàn cầu.

HOA BÙI

Đường dẫn bài viết: https://haiquanonline.com.vn/co-hoi-vang-de-doanh-nghiep-viet-nang-tam-thuong-hieu-va-gia-tang-xuat-khau-197043.html

In bài viết

Bản quyền thuộc về Hải quan Online