Loạt đại dự án hứa hẹn thúc đẩy thị trường vật liệu xây dựng
Dự báo thị trường tiêu thụ các sản phẩm, hàng hoá vật liệu xây dựng trong thời gian tới sẽ tăng lên để đáp ứng nhu cầu xây dựng trong nước và xuất khẩu.
![]() |
Năm 2024 tình hình sản xuất, kinh doanh VLXD đã có chuyển biến khá tích cực. Ảnh: Internet. |
Theo thông tin tại hội thảo chuyên đề về phát triển thị trường vật liệu xanh vừa được Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam tổ chức, đến nay, tổng năng lực sản xuất các vật liệu xây dựng (VLXD) chủ lực của Việt Nam đã tăng trưởng đạt khoảng 120 triệu tấn xi măng, 830 triệu m² gạch ốp lát, 26 triệu sản phẩm sứ vệ sinh, 330 triệu m² kính xây dựng, 20 tỷ viên gạch đất sét nung, 12 tỷ viên gạch không nung (quy tiêu chuẩn). Trong đó, sản lượng xi măng, gạch ốp lát thuộc nhóm tốp đầu trên thế giới.
Tổng giá trị doanh thu hàng năm ngành VLXD bao gồm thép xây dựng ước đạt khoảng 50 tỷ USD, chiếm gần 12% GDP quốc gia.
Trong quý 4/2024 và cả năm 2024, tình hình sản xuất, kinh doanh VLXD đã có chuyển biến khá tích cực so với năm 2023.
Tuy nhiên, ngành VLXD vẫn tiếp tục gặp khó khăn về tiêu thụ do đầu tư xây dựng, thị trường bất động sản, các chương trình nhà ở chưa được triển khai như kế hoạch; sức ép của VLXD nhập khẩu, đặc biệt là mặt hàng kính xây dựng; thị trường xuất khẩu VLXD chưa được cải thiện nhiều.
![]() |
Xuất khẩu xi măng ước đạt 1,136 tỷ USD trong năm 2024. Ảnh: Internet |
Đơn cử, về xi măng, sản lượng sản xuất clanhke và xi măng năm 2024 đạt khoảng 95 triệu tấn, tăng khoảng 1% so với năm 2023.
Trong đó, xi măng tiêu thụ nội địa khoảng 65,3 triệu tấn, tăng 3% so với năm 2023; xuất khẩu sản phẩm xi măng và clanhke khoảng 29,7 triệu tấn, giảm 5% về khối lượng so với cùng kỳ năm 2023.
Giá trị xuất khẩu ước đạt 1,136 tỷ USD, giảm 14,2% về giá trị so với năm 2023. Sản lượng tồn kho clanhke và xi măng khoảng 4,5 triệu tấn, tương đương khoảng 15 ngày sản xuất.
Về gạch ốp lát, tính đến hết năm 2024, sản lượng sản xuất đạt khoảng 504 triệu m². Xuất khẩu năm 2024 ước đạt khoảng 550 triệu USD (khoảng 50 triệu m²). Tồn kho đến hết quý 4/2024 là 53,5 triệu m².
Theo đánh giá, năm 2025, chính sách của các nước lớn ngày càng can thiệp sâu, trực tiếp vào hoạt động giao thương trên thị trường vật liệu thế giới, cùng với chiến lược bảo tồn tài nguyên, đẩy mạnh tái chế vật liệu.
Một số quốc gia công nghiệp phát triển có xu hướng đóng cửa các mỏ khoáng sản trong nước để thu mua khoáng sản từ các nước khác dưới dạng nguyên liệu thô hoặc đã qua sơ chế.
Trong khi đó, tăng trưởng kinh tế, đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ tại các nước đang phát triển cần sử dụng lượng lớn vật liệu phục vụ xây dựng và sản xuất vật dụng thiết yếu cho sinh hoạt khai thác từ thiên nhiên.
Về định hướng phát triển VLXD năm 2025 và các năm tới sẽ tập trung vào một số nội dung chủ yếu như: áp dụng khoa học công nghệ và chuyển đổi sản xuất của ngành, nhất là sản xuất xanh; thúc đẩy thị trường trong đó chú trọng chống buôn lậu, gian lận thương mại, chống hàng giả, hàng nhái; mở rộng thị trường cả trong và ngoài nước...
Theo dự báo, thị trường tiêu thụ các sản phẩm, hàng hoá VLXD trong thời gian tới sẽ tăng lên để đáp ứng nhu cầu xây dựng trong nước và đồng thời xuất khẩu ra thị trường các nước khác trên thế giới.
Theo đó, trong năm 2025 và các năm tới, Việt Nam sẽ tiếp tục triển khai xây dựng hệ thống đường cao tốc Bắc Nam với mục tiêu đạt 3.000 km đến hết năm 2025, đạt 5.000 km đến hết năm 2030 và khoảng 9.000 km đến hết năm 2050.
Cùng với đó, các công trình, dự án giao thông trọng điểm quốc gia như Đường Hồ Chí Minh, Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội, Vành đai 3, 4 TP Hồ Chí Minh, Đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam, các tuyến đường sắt đô thị Thành phố Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, Cảng hàng không quốc tế Long Thành; triển khai đề án xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội… sẽ dẫn tới nhu cầu rất lớn về VLXD.