Nhiều doanh nghiệp gỗ Việt chịu ảnh hưởng nặng trước mức thuế 46% của Mỹ
Việt Nam chịu mức thuế lên tới 46%. Với mức thuế này, hàng hóa của Việt Nam sẽ rất bất lợi khi xuất khẩu sang thị trường Mỹ, đặc biệt là ngành gỗ trong nước.
Nhiều DN gỗ chịu ảnh hưởng từ mức thuế mới của Mỹ
Thông tin thị trường cho thấy, năm 2024, giá trị kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Mỹ đạt mức 119,5 tỷ USD. Mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ đứng thứ 5 về giá trị xuất khẩu sang thị trường Mỹ với kim ngạch đạt 9,1 tỷ USD, chủ yếu là hàng tinh chế và đồ nội thất, với thuế suất được hưởng chủ yếu là 0% hoặc rất thấp.
Ngược lại, Việt Nam nhập khẩu từ Mỹ 332 triệu USD, trong đó có 301 triệu USD là gỗ tròn và gỗ xẻ nguyên liệu với mức thuế bằng 0%, còn lại trên 20 triệu USD sản phẩm gỗ với mức thuế từ 15-25%.
![]() |
Nhiều DN gỗ chịu ảnh hưởng từ mức thuế mới của Mỹ. Ảnh minh họa |
Đáng chú ý, việc Chính phủ Việt Nam vừa ban hành Nghị định số 73/2025/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi của một số mặt hàng nhập khẩu ưu đãi (theo danh mục mặt hàng chịu thuế ban hành kèm theo Nghị định số 26/2023/NĐ-CP) đã đưa thuế nhập khẩu tất cả các sản phẩm gỗ từ Mỹ về bằng 0%, được xem là giải pháp góp phần giúp cho quan hệ thương mại Việt Nam - Mỹ phát triển bền vững và ngành gỗ tránh bị áp thuế cao hơn.
Đánh giá về chính sách thuế mới của Mỹ, đại diện Hiệp hội Chế biến gỗ Bình Dương cho biết, hiện nay, có khoảng 60 - 70% mặt hàng gỗ và sản phẩm từ gỗ của Việt Nam hướng đến thị trường Mỹ, tỷ lệ này ở các DN của Bình Dương lên đến 80%. Do đó, việc Mỹ áp thuế 46% có thể khiến nhiều đối tác hủy đơn hàng, giảm số lượng.
Thực tế cho thấy, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ vào thị trường Mỹ phát triển nhanh và mạnh trong 20 năm qua, đưa Việt Nam trở thành một trong những đối tác cung cấp gỗ và sản phẩm gỗ lớn nhất. Kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm vào Mỹ đã chiếm tỷ lệ chi phối xấp xỉ 60% tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành gỗ vào tất cả các thị trường trên thế giới.
Các chuyên gia trong lĩnh vực này đều cho rằng, đây cũng là cơ hội lớn nhưng cũng tiềm ẩn rủi ro cho ngành gỗ Việt khi phụ thuộc quá lớn vào một thị trường duy nhất, nhất là trong bối cảnh nhiều chính sách biến động khó đoán của Chính phủ Mỹ trong 4 năm tới. Đặc biệt là Mỹ vừa xây dựng một khung pháp lý chặt chẽ để quản lý tài nguyên rừng và bảo đảm tính hợp pháp của gỗ.
Khẩn trương triển khai các giải pháp cân bằng
Để đáp ứng yêu cầu về pháp lý đối với gỗ và sản phẩm gỗ nhập khẩu vào thị trường Mỹ được thuận lợi hơn, nhiều chuyên gia của các hiệp hội cũng khuyến nghị Chính phủ và các bên liên quan tại Việt Nam cần triển khai các hoạt động nhằm tăng cường trao đổi thông tin, hợp tác song phương giữa hai quốc gia để thúc đẩy chuỗi cung ứng gỗ bền vững giữa Việt Nam và Mỹ.
Theo ông Ngô Sỹ Hoài, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam, trước diễn biến trên, giải pháp chủ động của DN là nên quan tâm tới đa dạng hóa thị trường, đề phòng bất trắc xảy ra trên thị trường trong bối cảnh có xu hướng thương mại tự do hóa, vừa có xu hướng bảo hộ, tăng cường rào cản kỹ thuật, rào cản thương mại của các thị trường lớn, đồng thời ứng phó thêm là tăng cường năng lực phòng vệ thương mại.
TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính - tiền tệ Quốc gia có ý kiến, Việt Nam cần tăng cường cơ chế trao đổi, quản lý giám sát với Cơ quan lâm nghiệp Mỹ về yêu cầu pháp lý của quốc gia này đối với gỗ và sản phẩm gỗ nhập khẩu và các hướng dẫn cụ thể. Đồng thời, chia sẻ, phổ cập thông tin về yêu cầu pháp lý của Mỹ đối với gỗ và sản phẩm gỗ và nhập khẩu tới các hiệp hội, DN trong ngành gỗ. Cùng lúc, hướng dẫn, yêu cầu các cơ quan tiến hành các thủ tục xác nhận khai thác, thương mại gỗ hợp pháp theo quy định pháp luật của Việt Nam cho chủ rừng và DN.
Với vai trò là Hiệp hội DN cần tổ chức các hội nghị, diễn đàn để trao đổi và chia sẻ thông tin giữa DN xuất khẩu Việt Nam với các Hiệp hội, DN gỗ tại Mỹ để có thêm thông tin về yêu cầu của Chính phủ và các DN Mỹ đối với gỗ và sản phẩm gỗ nhập khẩu Xây dựng hệ thống thư viện số, tích hợp các quy định, tiêu chuẩn, kiến thức, hướng dẫn đáp ứng các quy định của Mỹ đối với gỗ và sản phẩm gỗ để chia sẻ thông tin tới các DN gỗ trong nước, đặc biệt là các DN xuất khẩu.
Ngoài ra, DN xuất khẩu vận dụng sự hỗ trợ của Thương vụ Việt Nam tại Mỹ và các kênh thông tin truyền thông khác để nắm bắt những thay đổi chính sách, quy định của Mỹ; chủ động thu thập thông tin và bằng chứng chứng minh gỗ được khai thác và thương mại hợp pháp theo quy định pháp luật của Việt Nam.