Đề xuất 3 phương án xác định ngưỡng chịu thuế GTGT đối với hộ và cá nhân kinh doanh
Trong những ngày gần đây, trên các diễn đàn kinh tế, nhiều chuyên gia đề xuất nên điều chỉnh mức doanh thu chịu thuế GTGT mới đối với hộ và cá nhân kinh doanh là 200 triệu đồng (thay mức hiện hành 100 triệu đồng), một số chuyên gia khác thì kiến nghị áp mức doanh thu mới lên 300 triệu đồng/năm... Để có cơ sở khoa học và tính thuyết phục cho vấn đề này, nhóm chuyên gia Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội đã tiến hành nghiên cứu và đề xuất 3 phương án xác định ngưỡng chịu thuế GTGT đối với hộ và cá nhân kinh doanh trong thời gian tới.

Về nguyên lý, thuế GTGT là thuế gián thu, được cộng vào giá do người tiêu dùng chịu, bên bán chỉ là người nộp thay số thuế này cho NSNN. Do đó, chính sách chung không đặt vấn đề miễn thuế hay giảm thuế GTGT. Với các DN, các tổ chức kinh tế phải nộp thuế GTGT ngay từ đồng tiền bán hàng đầu tiên. Có nghĩa là, cứ phát sinh doanh thu là phải áp thuế GTGT, không có ngoại lệ.
Đối với Việt Nam, do quy mô nền kinh tế còn hạn hẹp, thu nhập dân cư còn thấp, nhất là lĩnh vực nông nghiệp nông thôn. Hoạt động sản xuất kinh doanh phần lớn do các tập đoàn kinh tế, các DN, hợp tác xã thực hiện. Lĩnh vực kinh doanh cá thể, hộ gia đình còn manh mún, thường không mở sổ kế toán và không sử dụng hóa đơn chúng từ. Theo tổng hợp của Tổng cục Thống kê, hiện cả nước có khoảng 5 triệu hộ kinh doanh, trong đó gần 3 triệu hộ đã đăng ký nộp thuế (thuế GTGT và thuế TNCN) thường xuyên hàng tháng, còn lại hơn 2 triệu hộ kinh doanh có thu nhập thấp, chỉ đủ mức sống tối thiểu, nên chỉ nộp lệ phí môn bài hàng năm. Kế thừa các văn bản quy phạm pháp luật trước đây, khi Quốc hội ban hành Luật Thuế GTGT (Luật số 13/2008/QH12) đã quy định ngưỡng nộp thuế GTGT đối với hộ và cá nhân kinh doanh nhằm hỗ trợ người kinh doanh có thu nhập thấp, chỉ đảm bảo mức sống tối thiểu, đồng thời giảm bớt chi phí hành chính quản lý thuế. Theo đó, Khoản 25 Điều 5 Luật Thuế GTGT năm 2008 quy định, hàng hóa, dịch vụ của cá nhân kinh doanh có mức thu nhập bình quân thấp hơn mức lương tối thiểu chung đối với tổ chức DN trong nước, thuộc đối tượng không phải chịu thuế GTGT.
Sau 5 năm thi hành sắc thuế mới, ngưỡng chịu thuế GTGT được điều chỉnh tại Luật sửa đổi bổ sung về thuế GTGT (Luật số 31/2013/QH13). Cụ thể là, hàng hóa, dịch vụ của hộ, cá nhân kinh doanh có mức doanh thu hàng năm từ 100 triệu đồng trở xuống, không thuộc đối tượng chịu thuế GTGT.
Đến nay, sau 12 năm triển khai, ngưỡng doanh thu 100 triệu đồng không còn phù hợp, nên Bộ Tài chính đã có đề án báo cáo Chính phủ trình Quốc hội sửa đổi bổ sung Luật Thuế GTGT. Trong đó, có phương án điều chỉnh mức doanh thu chịu thuế đới với hộ và cá nhân kinh doanh, đảm bảo phù hợp tình hình thực tế, phù hợp Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2030. Thảo luận về nội dung này, trên các diễn đàn kinh tế, nhiều chuyên gia đề xuất mức doanh thu mới là 200 triệu đồng (thay mức hiện hành 100 triệu đồng), một số chuyên gia khác kiến nghị áp mức doanh thu mới lên 300 triệu đồng/năm. Tuy nhiên, phần nội dung tham gia góp ý chưa đưa ra cơ sở khoa học để xác định con số 200 triệu đồng, hay 300 triệu đồng, nên chưa có sức thuyết phục. Nghiên cứu vấn đề này, nhóm chuyên gia Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội đề xuất 3 phương án xác định ngưỡng chịu thuế GTGT đối với hộ và cá nhân kinh doanh, áp dụng trong thời gian tới như sau:
Phương án 1: Điều chỉnh theo biến động giá tiêu dùng (CPI).
Ngưỡng doanh thu 100 triệu đồng/năm quy định từ năm 2013 đến khi thi hành Luật Thuế GTGT sửa đổi vào năm 2025 (Theo chương trình xây dựng pháp luật của Quốc hội) là 12 năm. Mức biến động giá bình quân năm tăng khoảng 4% (tính tròn), tổng mức trượt giá trong khoảng thời gian này gần 50%.
Dự kiến Luật Thuế GTGT sửa đổi lần này (có hiệu lực từ năm 2025) được ổn định 12 đến 15 năm, tương ứng với tổng mức trượt giá khoảng 50% (tương đương thời kỳ trước). Như vậy, mức trượt giá chung tăng 100% so với thời điểm năm 2013. Từ cơ sở này có thể xác định được ngưỡng doanh thu chịu thuế GTGT đối với hộ và cá nhân kinh doanh thời kỳ tới là 200 triệu đồng/năm (tăng 2 lần so với năm 2013).
Phương án 2: Tính theo mức thu nhập tối thiểu đối với hộ nghèo.
Hiện nay theo quy định chung, chuẩn hộ nghèo áp dụng đối với cư dân đô thị là người có thu nhập từ 2 triệu đồng/tháng trở xuống. Để có được khoản thu nhập 2 triệu đồng/tháng, người kinh doanh phải có doanh thu bán hàng khoảng 20 triệu đồng/tháng (mức phổ thông trong kinh doanh thương mại). Qua đó có thể xác định được ngưỡng doanh thu cả năm đối với hộ kinh doanh là 240 triệu đồng/năm (20 triệu đồng x 12 tháng).
Phương án 3: Tính theo trị giá tương đồng trong hệ thống thuế.
Theo quy định hiện hành, mức giảm trừ gia cảnh đối với người nộp thuế TNCN là 185 triệu đồng/năm (tính tròn, bao gồm cả một người phụ thuộc). Theo chương trình xây dựng pháp luật, Luật Thuế TNCN sẽ được sửa đổi bổ sung vào năm 2025, tromg đó có mức giảm trừ gia cảnh. Giả sử điều chỉnh tăng tối thiểu 30% (bằng mức điều chỉnh tiền lương vào ngày 1/7/2024) thì mức giảm trừ gia cảnh mới sẽ là 240 triệu đồng/năm.
Từ 3 phương án dẫn trên, hoàn toàn có cơ sở để xác định ngưỡng doanh thu tính thuế GTGT đối với hộ và cá nhân kinh doanh ở mức 200 đến 240 triệu đồng/năm là phù hợp với tình hình thực tế Việt Nam.
Vấn đề đặt ra là làm thế nào để xác định đâu là hộ kinh doanh có mức doanh thu dưới 200 hay 240 triệu đồng/năm, trong khi họ không mở sổ kế toán, không sử dụng hóa đơn chứng từ. Để đảm bảo công khai minh bạch, cơ quan thuế sở tại cần rà soát toàn diện số hộ và cá nhân kinh doanh trong danh sách trước đây có doanh thu dưới 100 triệu đồng/năm. Yêu cầu họ kê khai bổ sung tình hình sản xuất kinh doanh 2 năm liền kề (năm 2023 và 2024) đối chiếu một số tiêu chí liên quan (như mức độ sử dụng điện, nước, kho hàng, mức tiêu hao vật tư thiết bị, nhân công thuê ngoài…); đồng thời tham vấn Hội đồng tư vấn thuế xã, phường, các hiệp hội ngàng hàng, ban quản lý chợ, tổ trưởng dân phố… để xác định ngưỡng doanh thu áp thuế GTGT sát thực tế. Hàng năm, cơ quan thuế cần điều tra tổng thể danh sách này, để nắm bắt các trường hợp có bổ sung thêm ngành nghề kinh doanh, hoặc gia tăng quy mô kinh doanh, kịp thời đưa vào diện phải nộp thuế GTGT thường xuyên, đảm bảo thu đúng, thu đủ cho NSNN.
TS Nguyễn Ngọc Tú - Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội