Quản lý hóa đơn bất hợp pháp: giải pháp nào hiệu quả?
Mua-bán hóa đơn bất hợp pháp là hành vi vi phạm pháp luật, không chỉ ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh lành mạnh, tạo ra những hệ lụy xấu cho xã hội và các doanh nghiệp (DN) làm ăn chân chính, mà còn gây thất thu NSNN. Để xử lý vấn đề này, những năm qua, cùng với công tác phối hợp với cơ quan chức năng điều tra, khởi tố nhiều vụ án lớn, ngành Thuế đã triển khai nhiều giải pháp, từ tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ, cảnh báo, đến xây dựng các công cụ, phần mềm quản lý, giám sát, kiểm tra...

Tuy nhiên, quá trình quản lý thuế, xử lý, đấu tranh ngăn chặn các đường dây mua bán hóa đơn bất hợp pháp vẫn gặp không ít vướng mắc, khó khăn. Tìm lời giải cho bài toán quản lý hóa đơn bất hợp pháp, trong khuôn khổ loạt bài viết về chủ đề này, Tạp chí Thuế phản ánh thực trạng, ghi nhận ý kiến DN và đề xuất giải pháp xử lý từ các chuyên gia, nhằm gợi mở hướng tháo gỡ một số trường hợp vướng mắc về hóa đơn, tạo thuận lợi hơn nữa cho DN tuân thủ pháp luật thuế và đóng góp nguồn thu cho NS
Bài 1: Hóa đơn bất hợp pháp và những hệ lụy
Thông tin từ Tổng cục Thuế cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2024, toàn ngành Thuế đã rà soát, kiểm tra phát hiện 12.625 hóa đơn vi phạm, với tổng giá trị ghi trên hóa đơn là 8.524 tỷ đồng, tiền thuế là 753 tỷ đồng. Qua đó, cơ quan thuế đã xử lý vi phạm về hóa đơn với tổng số tiền 27,9 tỷ đồng (thuế GTGT 5,4 tỷ đồng, thuế TNDN 5,98 tỷ đồng, thuế khác gần 0,5 tỷ đồng), tiền phạt và chậm nộp là 11 tỷ đồng... Những con số biết nói này cho thấy, dù các cơ quan quản lý đã vào cuộc mạnh mẽ, song tình trạng mua-bán hóa đơn bất hợp pháp vẫn còn diễn biến phức tạp.
Bóc gỡ các đường dây mua-bán hóa đơn khống
Trong Văn bản số 3385/TCT-TTKT ban hành đầu tháng 8 gửi đến các cục thuế trên cả nước đề nghị tiếp tục rà soát, xử lý hóa đơn không hợp pháp theo kết luận tại bản án của Tòa án Nhân dân tỉnh Phú Thọ, Tổng cục Thuế cho biết, tại bản án này xác định từ tháng 12/2020-10/2022, đối tượng Nguyễn Minh Tú trực tiếp hoặc thông qua trung gian sử dụng 637 DN để bán trái phép 1.025.712 hóa đơn cho 88.053 DN khác, tổ chức và thành lập 6 công ty tài chính để hợp thức hóa việc thanh toán qua ngân hàng. Đây là trường hợp điển hình của đường dây tội phạm mua-bán hóa đơn trái phép với quy mô đặc biệt lớn, tính chất hết sức phức tạp, diễn ra tại nhiều tỉnh/TP trên cả nước. Vụ án này đã được đưa ra xét xử với tổng cộng 100 bị cáo bị truy tố về các tội mua - bán trái phép hóa đơn, làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức, sử dụng con dấu, tài liệu giả của cơ quan, tổ chức và trốn thuế.
Không chỉ có vậy, trong vài năm trở lại đây, nhiều tổ chức, đường dây liên tỉnh mua-bán hóa đơn bất hợp pháp cũng đã được cơ quan chức năng phối hợp bóc gỡ, khởi tố, như vụ ở tỉnh Bắc Giang đã xuất bán trên 3.000 hóa đơn, tổng giá trị tiền hàng hóa/dịch vụ ghi trên hóa đơn gần 4.000 tỷ đồng; vụ triệt phá đường dây ở TP Đà Nẵng, các đối tượng thành lập 280 DN, xuất bán 187.610 hóa đơn khống trị giá 25.300 tỷ đồng; vụ ở tỉnh Hòa Bình, cơ quan công an đã khởi tố 16 bị can thành lập 64 DN “ma” để xuất trái phép 140.024 hóa đơn điện tử (HĐĐT), trong đó, có 76.561 hóa đơn xuất cho gần 9.000 cơ quan, DN, cá nhân trên địa bàn cả nước, với tổng giá trị tiền hàng hóa/dịch vụ ghi trên hóa đơn hơn 3.200 tỷ đồng…
Riêng liên quan đến đường dây mua-bán trái phép hóa đơn ở TP HCM do Nguyễn Xuân Vinh cầm đầu đã được Công an Quận 10 triệt phá, ngày 29/4/2024, cơ quan cảnh sát điều tra đã khởi tố 16 bị can, bắt tạm giam 5 bị can vì đã thành lập, quản lý, điều hành 26 DN “ma”, xuất khống trên 12.000 hóa đơn GTGT, tổng giá trị hơn 2.500 tỷ đồng. Mới đây ngày 8/7/2024, “bà trùm” Hoàng Đặng Ngọc Mỹ Trang trong đường dây mua - bán hóa đơn hơn 4.000 tỷ đồng cũng đã bị Tòa án Nhân dân TP HCM tuyên án 5 năm tù trong phiên xét xử sơ thẩm vụ án mua bán trái phép hóa đơn và trốn thuế. Theo cáo buộc, đối tượng này và 38 đồng phạm đã lập ra 31 DN “ma”, xuất khống 35.273 hóa đơn GTGT, tổng giá trị trên hóa đơn hơn 4.424 tỷ đồng.
Nhiều hệ lụy phát sinh
Tình trạng mua-bán hóa đơn bất hợp pháp là hành vi vi phạm pháp luật, không chỉ ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh lành mạnh, gây thất thu NSNN, mà còn tạo ra những hệ lụy xấu cho xã hội và các DN làm ăn chân chính. Theo ông Nguyễn Thái Sơn, Giám đốc Công ty CP Tư vấn thuế Sài Gòn, nguyên Trưởng phòng Pháp chế, Cục Thuế TP HCM, quá trình cơ quan thuế rà soát các hoá đơn có nghi vấn không hợp pháp đã xảy ra nhiều trường hợp DN liên quan gặp rủi ro, bị xử lý về một hành vi mà họ không vi phạm. Điển hình như DN A (bán hàng) có xuất hoá đơn hợp lệ cho DN B (mua hàng), hai bên thanh toán xong; DN B hạch toán kế toán và đã hoàn tất việc khai thuế GTGT, thuế TNDN. Nhưng, thời gian sau đó, khi kiểm tra, phát hiện DN A đã không kê khai, nộp thuế GTGT, thuế TNDN đối với các hoá đơn đó, cơ quan thuế đã quyết định loại bỏ toàn bộ số thuế GTGT đầu vào và chi phí mua hàng của DN B liên quan đến doanh thu của hoá đơn trên.
Một trường hợp khác là DN A thường xuyên cung cấp hàng hoá/dịch vụ có xuất hoá đơn hợp lệ cho DN B trong nhiều năm. Sau đó, vì một lý do, DN A bị cơ quan thuế phát hành thông báo bỏ trốn khỏi địa điểm kinh doanh. Đối với hoá đơn phát hành sau ngày có thông báo bỏ trốn thì đương nhiên bị loại toàn bộ số thuế GTGT đầu vào và chi phí mua hàng liên quan. Còn đối với hoá đơn phát hành trước ngày có thông báo bỏ trốn, cơ quan thuế yêu cầu DN B phải nộp cho cơ quan thuế toàn bộ hồ sơ, chứng từ để chứng minh việc mua bán trên từng tờ hoá đơn là có thật. Đây là một cuộc đua marathon khi từng hoá đơn phải đính kèm: hợp đồng kinh tế/phiếu đặt hàng, chứng từ thanh toán, phiếu xuất kho, phiếu nhập kho, nếu hàng hoá cồng kềnh thì phải kèm hợp đồng vận chuyển... Nếu DN may mắn đáp ứng đầy đủ yêu cầu khắt khe như trên thì được cơ quan thuế chấp nhận giữ nguyên số thuế đã kê khai, còn không thì sẽ bị loại bỏ toàn bộ. Rủi ro này quá lớn khiến DN dễ bị “vạ lây” mà không thể lường trước.
Thêm một trường hợp khác là có DN thuộc diện cảnh báo rủi ro về hoá đơn nên phải nhiều lần cung cấp tài liệu chứng minh, giải trình theo yêu cầu của cơ quan thuế. Điều này gây khó khăn trước mắt là tốn nhiều thời gian và công sức truy tìm tài liệu, chứng từ để chứng minh; hậu quả lâu dài là hồ sơ đề nghị hoàn thuế GTGT bị đình chỉ vô thời hạn, chờ kết quả xác minh hoá đơn suốt cả chuỗi cung ứng hàng hoá cho DN...
(Còn tiếp)
Nguyên Phạm