Bài 9. Cần thiết phân loại mức độ tín nhiệm người nộp thuế
Trên cơ sở phân tích những thực tiễn, kinh nghiệm của thế giới và lĩnh vực tại Việt Nam, bài viết đề xuất, cần thiết thực hiện phân loại người nộp thuế trên cơ sở áp dụng quản lý rủi ro, hay nói một cách khác là quản lý tuân thủ theo mức độ tín nhiệm, xây dựng thang điểm đánh giá mức độ tín nhiệm của cơ quan thuế.

Quản lý rủi ro là phương pháp quản lý hiệu quả
Cách đây hai mươi năm - năm 2004 - khái niệm “Quản lý rủi ro” về thuế đã được cơ quan thuế Việt Nam nghiên cứu. Tuy nhiên, khái niệm này khi đó chưa được đưa vào dự thảo Luật Quản lý thuế năm 2006. Mặc dù vậy, đến thời điểm Luật Quản lý thuế được Quốc Hội khoá XI thông qua ngày 29/11/2006, có hiệu lực từ 01/7/2007 cũng đã tạo nên một bước phát triển mới về chất trong nhiệm vụ quản lý thu thuế, cả đối với cơ quan thuế và người nộp thuế. Có nhiều điểm mới trong việc thực thi pháp luật thuế về mặt trình tự, thủ tục và cách thức thực hiện; trong đó quyền hạn, trách nhiệm của cơ quan thuế, người nộp thuế và các cơ quan liên quan đã được gắn kết trong một chỉnh thể thống nhất, phân định rõ chức năng, quyền hạn và trách nhiệm, nghĩa vụ của các bên. Đồng thời với Luật Quản lý thuế là cơ chế tự kê khai - tự nộp thuế, trong đó một yếu tố quan trọng của nó là dựa trên sự tuân thủ của người nộp thuế, đó cũng chính là việc phân loại, đánh giá mức độ tín nhiệm của cơ quan quản lý đối với đối tượng quản lý.
Năm 2012, Quốc hội đã sửa đổi, bổ sung Luật Quản lý thuế năm 2006, đưa vào một nguyên tắc mới – Nguyên tắc quản lý rủi ro: áp dụng cơ chế quản lý rủi ro trong quản lý thuế (bổ sung khoản 4 Điều 4 của Luật Quản lý thuế năm 2006). Nguyên tắc này tiếp tục được làm rõ hơn, sâu sắc và cụ thể, chi tiết hơn trong Luật Quản lý thuế sửa đổi, bổ sung năm 2019 (hiệu lực từ 01/7/2020).
Xuyên suốt toàn bộ tinh thần của Luật Quản lý thuế, quản lý rủi ro được thực hiện trong suốt quá trình quản lý thuế của cơ quan thuế. Quản lý rủi ro được áp dụng từ việc đăng ký thuế, khai thuế, nộp thuế, nợ thuế, cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế đến việc hoàn thuế, kiểm tra, thanh tra thuế, quản lý và sử dụng hóa đơn, chứng từ và các nghiệp vụ khác trong quản lý thuế.
Vậy quản lý rủi ro là gì? Tại sao lại quan trọng với cả cơ quan thuế lẫn cả người nộp thuế đến vậy ?
Có thể thấy, rủi ro về thuế, đó chính là nguy cơ không tuân thủ pháp luật của người nộp thuế, dẫn đến thất thu NSNN. Chính vì vậy, cơ quan thuế cần và phải áp dụng quản lý rủi ro trong hoạt động quản lý của mình. Đó cũng chính là việc áp dụng có hệ thống quy định của pháp luật, các quy trình nghiệp vụ nhằm xác định, đánh giá và phân loại các rủi ro có thể tác động tiêu cực đến hiệu quả, hiệu lực quản lý thuế làm cơ sở để cơ quan thuế phân bổ nguồn lực hợp lý và áp dụng các biện áp quản lý hiệu quả.
Như vậy, quản lý rủi ro nói chung và quản lý rủi ro về thuế nói riêng có thể được xem là một phương pháp quản lý hiệu quả, dựa trên quá trình tuân thủ của đối tượng quản lý; quản lý rủi ro đã và đang được áp dụng ở nhiều ngành, nhiều lĩnh vực trong hoạt động quản lý. Trên một tập hợp lớn, đông đảo đối tượng được quản lý, với nguồn lực hạn chế, bài toán đặt ra là làm sao tối ưu trong công tác quản lý, đem lại hiệu quả cao nhất. Đây được xem là một phương pháp khoa học và trí tuệ. Đối với Việt Nam, trong lĩnh vực thuế, thì ngoài việc quản lý hiệu quả nguồn thu cho NSNN còn thúc đẩy người nộp thuế có động lực để thực hiện tốt hơn nghĩa vụ thuế của mình, phù hợp với phương cách quản lý của các quốc gia, vùng lãnh thổ tiên tiến trên thế giới. Điều này cũng đảm bảo tính công khai, minh bạch gắn liền với cải cách hành chính thuế hiện nay ở Việt Nam, khu vực và thế giới.
Một câu hỏi mà người nộp thuế tự hỏi mình, hỏi cơ quan thuế là: Nếu tôi chấp hành tốt luật thuế, thực hiện đúng, đủ nghĩa vụ thuế với Nhà nước, thì cơ quan thuế sẽ đối xử với tôi như thế nào? Tôi có được ưu tiên gì không? Có được tín nhiệm hơn người chậm nộp thuế, gian lận hoặc có vi phạm không?...
Những câu hỏi mà người nộp thuế đã và đang đặt ra cho cơ quan thuế được xem như một bài toán khó. Đây chính là bài toán phân định mức độ tín nhiệm của cơ quan thuế đối với người nộp thuế. Giải đáp được cách phân loại này có thể xem là "một công đôi việc" vậy. Vì cách làm đó sẽ thể hiện được nguyên tắc trọng yếu trong công tác quản lý thuế, dành nguồn lực đích thực để quản lý đúng người, đúng việc. Đồng thời, tạo điều kiện cho người nộp thuế, cho DN thi đua và phấn đấu để đạt mức độ tín nhiệm cao hơn.
Phân loại mức độ tín nhiệm về nộp thuế
Ở Việt Nam, từ trước đến nay, một số cơ quan quản lý nhà nước cũng đã tiến hành việc phân loại này ở một số cấp, ngành, trong một số lĩnh vực quản lý có số lớn đối tượng. Từ những năm 2000, Tổng cục Hải quan đã ban hành quyết định quy định về việc cấp thẻ ưu tiên thủ tục hải quan cho DN, quy trình thủ tục hải quan cho hàng hoá xuất nhập khẩu, tại đó, đưa ra một số tiêu chí cụ thể để kiểm tra hàng hoá xuất nhập khẩu, phân thành các mức có tên gọi với các sắc màu biểu trưng:
- Mức (1): miễn kiểm tra chi tiết hồ sơ, miễn kiểm tra thực tế - luồng xanh
- Mức (2): kiểm tra chi tiết hồ sơ, miễn kiểm tra thực tế hàng hoá - luồng vàng
- Mức (3): kiểm tra chi tiết hồ sơ và kiểm tra thực tế hàng hoá - luồng đỏ
Tại mức (3) - luồng đỏ này lại chia thành các mức : (3).a; (3).b; (3).c tương ứng với kiểm tra toàn bộ, 10%, 5% lô hàng, ...
Tương tự như vậy, trong hoạt động kinh doanh dịch vụ, DN cũng phân loại các khách hàng để phục vụ và kinh doanh hiệu quả hơn cho cả khách hàng và DN. Đơn cử trường hợp các hãng hàng không hay các ngân hàng, chia khách hàng thành các hạng khác nhau, thí dụ: khách ưu tiên, khách VIP...
Trên thế giới, cơ quan thuế nhiều nước đã áp dụng việc công khai, minh bạch các tiêu chí và đưa ra một hệ thống thang điểm thông báo cho tổ chức, cá nhân nộp thuế biết, nhằm mục đích giúp họ tuân thủ tốt hơn pháp luật về thuế, thực hiện tốt nhất trách nhiệm của mình, đồng thời có động lực phấn đấu để đạt được mức tín nhiệm cao hơn trong đánh giá của cơ quan thuế.
Ở Việt Nam, áp dụng quản lý thuế theo phân loại rủi ro, cũng chính là phân loại mức độ tín nhiệm về nộp thuế, nhất là khi thực hiện cơ chế tự khai-tự nộp hiện nay để làm cơ sở phân loại trong quản lý thuế là một bước đi cần thiết và đúng đắn, phù hợp với các ngành khác đã và đang triển khai thực hiện tại Việt Nam, phù hợp với thông lệ quốc tế. Đây được xem như một bước đi phù hợp với Luật Quản lý thuế hiện hành. Trên cơ sở kho dữ liệu (theo thời gian, không gian, độ chuẩn xác...) và dữ liệu thu thập được từ các nguồn khác nhau (thực tế sản xuất kinh doanh tại đơn vị; từ ngân hàng, đối tác... ), cơ quan thuế sẽ đối chiếu, so sánh, phân tích và đánh giá để phân loại một cách khách quan về DN mà mình quản lý.
Cách xây dựng một hệ thống thang điểm được thực hiện trên cơ sở cân nhắc, so sánh với thực tế quản lý thuế hiện nay và hệ thống tính điểm với các tiêu thức khoa học và phù hợp. Có thể phân loại DN (người nộp thuế) thành 4 loại: DN loại A, loại B, loại C, loại D. Trên cơ sở mức tín nhiệm đạt được, DN có thể được hưởng những "ưu đãi" về chế độ quản lý thuế như: đối tượng loại A có thể được giảm nhẹ nhiều thủ tục quản lý hành chính, hoặc được xếp vào danh sách ưu tiên khi xét hoàn thuế GTGT theo quy trình đơn giản hoá (hoàn thuế trước - kiểm tra sau), khen thưởng người nộp thuế tuân thủ thuế tốt (Huân chương, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế...) và các ưu tiên khác.
Đối tượng loại B sẽ phải thực hiện các biện pháp và thủ tục quản lý thông thường và cơ quan thuế sẽ tăng cường tư vấn, hỗ trợ, giải đáp các vướng mắc trong thực hiện luật thuế. Các đối tượng nộp thuế loại C sẽ được xếp vào nhóm cần phải kiểm tra, thanh tra hàng năm tại cơ sở và phải chịu các thủ tục giám sát chặt chẽ về hoá đơn đã sử dụng, chỉ được khấu trừ thuế GTGT và hoàn thuế GTGT sau khi cơ quan thuế đã kiểm tra đối chiếu. Các đối tượng nộp thuế ở nhóm D được coi là diện "không may mắn" vì ngoài các biện pháp quản lý áp dụng cho người nộp thuế thuộc nhóm C, người nộp thuế ở nhóm D thậm chí được theo dõi, giám sát đối với các hoá đơn, chứng từ về thuế, hoặc không được xét hoàn thuế GTGT khi xuất khẩu. Ngoài ra, để biểu dương và nhân rộng các điển hình tiên tiến, cơ quan thuế có thể cho phép một số DN điển hình trong việc thực hiện tốt pháp luật thuế quảng bá lôgô, hình ảnh hoặc được biểu dương trên website của ngành Thuế... DN sẽ thấy mình được tôn trọng, được tăng được giá trị tài sản vô hình...
Sau khi Luật Quản lý thuế năm 2019 được ban hành và có hiệu lực từ 01/7/2020, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 31/2021/TT-BTC ngày 17/5/2021 quy định về áp dụng quản lý lý rủi ro trong quản lý thuế. Thông tư trên đã cụ thể hóa nguyên tắc quản lý rủi ro, mở đường cho việc phân loại DN, cá nhân trong việc tuân thủ pháp luật thuế. Hay nói cách khác, đó cũng chính là việc xây dựng mức độ tín nhiệm của cơ quan thuế đối với người nộp thuế. Bên cạnh đó, việc thiết kế và ra đời một Cục Quản lý tuân thủ về thuế thay cho Ban Quản lý rủi ro hiện nay nhằm đáp ứng yêu cầu mà Luật Quản lý thuế quy định đã và đang đặt ra yêu cầu cấp thiết đối với cơ quan thuế về việc cần sớm hoàn thiện mô hình tổ chức bộ máy quản lý rủi ro để quản lý tuân thủ về thuế đi vào cuộc sống.
Bằng hành động và bằng việc phân loại người nộp thuế trên cơ sở áp dụng quản lý rủi ro, hay nói một cách khác là quản lý tuân thủ theo mức độ tín nhiệm như vậy, cần thiết phải xây dựng thang điểm đánh giá mức độ tín nhiệm của cơ quan thuế, ngành Thuế sẽ đưa ra một thông điệp quan trọng trong công tác quản lý thuế của mình. Bằng cách đó, DN, cá nhân trong hoạt động sản xuất, kinh doanh sẽ phải đặt mình vào câu hỏi và tự tìm cách trả lời là: liệu có nên đưa DN, cá nhân mình đứng vào nhóm uy tín trong bảng đánh giá, xếp hạng của cơ quan thuế, vì lợi ích lâu dài của mình, hay bị đưa vào "tầm ngắm" của cơ quan thuế. Tổng cục Thuế Việt Nam cần thiết nghiên cứu để trình các cấp có thẩm quyền thành lập một bộ phận tương đương chức năng của một cục, có chức năng mới đồng thời với việc thiết kế, ban hành, vận hành và từng bước quản lý hiệu quả thang điểm đánh giá mức độ tín nhiệm này, công tác quản lý thuế sẽ từng bước đáp ứng yêu cầu mà Chiến lược cải cách và hiện đại hóa ngành Thuế đã được đặt ra trong hiện tại và tương lai, phù hợp với quản lý thuế hiện đại của các nước tiên tiến trên thế giới.
Tuấn Nghĩa