Kiến nghị sửa đổi, bổ sung giải pháp quản lý thuế hộ kinh doanh
Theo số liệu từ Cục Thuế TP Hồ Chí Minh, tính đến hết tháng 9/2024, đơn vị đang quản lý tổng số 249.667 hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh (H-CNKD). Tuy nhiên, trong quá trình quản lý thuế nhóm đối tượng này đã phát sinh nhiều khó khăn, vướng mắc. Vì vậy, Cục Thuế TP kiến nghị triển khai các giải pháp phù hợp hơn nhằm gia tăng hiệu quả trong công tác quản lý đối với H-CNKD.

Nhiều bất cập trong công tác quản lý H-CNKD
Thông tin từ Cục Thuế TP Hồ Chí Minh cho biết, trong tổng số lượng 249.667 H-CNKD do đơn vị đang quản lý có 8.970 HKD nộp thuế theo phương pháp kê khai và số 240.697 HKD nộp thuế theo phương pháp khoán. Tổng số thu từ HKD thực hiện trong 9 tháng năm 2024 đạt 5.184 tỷ đồng, tăng 9,52% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, thu từ hộ, cá nhân khu vực kinh tế ngoài quốc doanh 2.741 tỷ đồng; thuế TNCN 2.443 tỷ đồng. Bên cạnh công tác quản lý, khai thác nguồn thu, thời gian qua, Cục Thuế TP đã tăng cường các giải pháp chống thất thu thuế đối với H-CNKD, chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực có rủi ro cao về thuế; tăng cường công tác kiểm tra hồ sơ khai thuế; khai thác dữ liệu lập bộ để tổ chức lập bộ thuế khoán hàng năm.
Mặc dù vậy, quá trình quản lý thuế H-CNKD đã cho thấy nhiều vấn đề bất cập. Cụ thể là, do thủ tục đăng ký thành lập H-CNKD thông thoáng, nên nhiều cá nhân đăng ký chỉ để phục vụ cho mục đích khác, dẫn đến tình trạng phát sinh
H-CNKD ảo. Trong khi cơ quan thuế vẫn phải lập hồ sơ người nộp thuế không hoạt động tại địa chỉ đăng ký, làm mất nhiều thời gian, công sức. Bên cạnh đó, tình trạng không tuân thủ hoặc tuân thủ không đầy đủ quy định về thuế của nhóm đối tượng này thường xuyên diễn ra. Đối với H-CNKD nộp thuế theo phương pháp kê khai cũng còn nhiều trường hợp chưa đáp ứng đầy đủ về hóa đơn đầu vào, nhưng bán hàng vẫn xuất hóa đơn ghi nhận doanh thu tính thuế (do hiện nay chưa có quy định rõ về hóa đơn đầu vào của hộ kê khai), dẫn đến cảnh báo hệ số K trên hệ thống hóa đơn điện tử và gây khó khăn trong công tác quản lý của cơ quan thuế.
Đáng chú ý, một số nội dung tại Quy trình quản lý thuế cá nhân kinh doanh ban hành theo Quyết định số 2371/QĐ-TCT đã không còn phù hợp với thực tế quản lý; một số nội dung về việc hỗ trợ phân tích rủi ro, lựa chọn người nộp thuế để xây dựng kế hoạch kiểm tra theo Quy trình kiểm tra thuế số 970/QĐ-TCT chưa phù hợp hoặc chưa tương thích với hệ thống phần mềm của ngành Thuế, dẫn đến việc phân loại rủi ro hoặc xây dựng kế hoạch kiểm tra thuế đối với H-CNKD còn nhiều bất cập. Chưa kể hiện nay, quy định pháp luật vẫn chưa có các biện pháp chế tài cụ thể đối với trường hợp H-CNKD nộp thuế theo phương pháp kê khai không có đầy đủ hóa đơn, chứng từ đầu vào, khiến cho công tác quản lý gặp nhiều khó khăn.
Sửa đổi, bổ sung các giải pháp quản lý
Để khắc phục các tình trạng trên, Cục Thuế TP Hồ Chí Minh kiến nghị cơ quan cấp phép và các cơ quan chức năng cần tăng cường rà soát và có biện pháp chế tài phù hợp để ngăn chặn tình trạng lợi dụng sự thông thoáng trong việc đăng ký thành lập H-CNKD nhằm mục đích hoạt động bất hợp pháp. Đối với cá nhân cho thuê tài sản, Tổng cục Thuế cần sửa đổi quy trình Quản lý thuế đối với hoạt động cho thuê tài sản của cá nhân (ban hành kèm theo Quyết định số 2469/QĐ-TCT) nhằm hạn chế việc ký hợp đồng cho thuê tài sản với giá không đúng thực tế. Cùng với đó, cần quy định cụ thể việc kê khai thuế phải nộp kèm chứng từ, biên nhận thanh toán tiền thuê, hợp đồng công chứng cho thuê tài sản. Cơ quan thuế cũng nên áp dụng tính thuế TNCN từ tiền lương, tiền công đối với các trường hợp đăng ký kinh doanh dịch vụ hỗ trợ, đại lý cho công ty bảo hiểm, như dịch vụ đào tạo, huấn luyện do 1 cá nhân làm chủ và không hoạt động trực tiếp tại nơi đăng ký kinh doanh (không có địa điểm kinh doanh cố định); hoạt động tư vấn, quản lý, đào tạo chủ yếu thực hiện tại công ty bảo hiểm hoặc trực tuyến…
Ngoài ra, Tổng cục Thuế sớm sửa đổi quy trình Quản lý H-CNKD ban hành kèm theo Quyết định số 2371/QĐ-TCT nhằm giúp các cơ quan thuế thực hiện lập bộ thuế khoán hàng năm và phát sinh trong năm kịp thời, cùng lúc, việc triển khai công tác lập bộ hộ khoán nên bắt đầu từ ngày 1/10 hàng năm. Qua đó, góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị trong công tác quản lý thuế đối với H-CNKD và đảm bảo nguồn thu cho NSNN.
Đức Lâm