Hải quan Hà Nội phát triển quan hệ đối tác Hải quan - Doanh nghiệp
(HQ Online) - Năm 2024, Cục Hải quan Hà Nội đã tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp tạo thuận lợi cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu trên địa bàn, đồng thời tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, giám sát, đảm bảo thực hiện đúng các quy định pháp luật và quy trình thủ tục hải quan.
![]() |
Hoạt động nghiệp vụ của công chức Cục Hải quan Hà Nội. Ảnh: N.Linh |
Kịp thời gỡ vướng cho doanh nghiệp
Phó Cục trưởng Cục Hải quan Hà Nội Hoàng Quốc Quang cho biết, với mục tiêu duy trì và phát triển quan hệ đối tác tin cậy, đồng hành thông qua việc kết nối hiệu quả nhiều kênh thông tin, xây dựng mối liên hệ thường xuyên theo cơ chế 3 bên: hải quan, doanh nghiệp dịch vụ xuất nhập khẩu, doanh nghiệp xuất nhập khẩu, Cục Hải quan Hà Nội đã tiếp tục nhân rộng mô hình, các kênh thông tin, thực thi các giải pháp để tăng cường trao đổi, chia sẻ, hỗ trợ giải đáp vướng mắc, đem lại lợi ích thiết thực cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu.
Tính đến 30/11/2024, Cục Hải quan Hà nội đã thu nộp ngân sách đạt 32.966/33.570 tỷ đồng (bằng 98,2% dự toán và bằng 123,46% cùng kỳ năm 2023), trong đó, địa bàn Hà Nội thu 26.414 /27.000 tỷ đồng (bằng 97,8% dự toán và bằng 123,68% cùng kỳ năm 2023). Ước tính đến hết ngày 31/12/2024, Cục Hải quan Hà Nội sẽ thu được 36.500/33.570 tỷ đồng (bằng 108,7% dự toán và bằng 123,1% số thu năm 2023). |
Ngay từ đầu năm 2024, Cục Hải quan Hà Nội đã tích cực triển khai Kế hoạch số 205/KH-UBND ngày 28/10/2020 của UBND TP Hà Nội về hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện thủ tục hải quan trên địa bàn TP Hà Nội giai đoạn 2020-2025. Phối hợp các sở, ban ngành của TP Hà Nội và các tỉnh Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Yên Bái, Hòa Bình (các địa bàn Hải quan Hà Nội quản lý nhà nước về hải quan-PV) thực hiện các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu, nhập khẩu trên địa bàn.
Một trong những giải pháp tháo gỡ vướng mắc của doanh nghiệp hiệu quả, đó là tại các dịp diễn ra hội nghị đối thoại hải quan-doanh nghiệp, Cục Hải quan Hà Nội đã tổng hợp câu hỏi, phản ánh, vướng mắc của doanh nghiệp, trả lời trực tiếp. Tại kỳ đối thoại hải quan-doanh nghiệp vừa qua, có 79 vướng mắc, kiến nghị được gửi tới hội nghị phản ánh các vướng mắc về cơ chế, chính sách mặt hàng, quy trình thủ tục hải quan, chính sách thuế, giá, phân luồng tờ khai, chương trình tự nguyện tuân thủ…
Các vấn đề vướng mắc đã được giải đáp công khai đến cộng đồng doanh nghiệp nắm bắt và theo dõi.
Tại các chi cục trực tiếp làm thủ tục hải quan cho doanh nghiệp, Cục Hải quan Hà Nội đã bố trí công chức vững về chuyên môn, nghiệp vụ nhằm phát huy cao nhất khả năng hướng dẫn, hỗ trợ cá nhân, tổ chức, cộng đồng doanh nghiệp trong quá trình làm thủ tục hải quan (chính sách thuế, chính sách mặt hàng, quy trình thủ tục hải quan...).
Đại diện Công ty TNHH Điện tử Meiko Việt Nam - một trong 15 doanh nghiệp tiêu biểu trong việc thực hiện thủ tục hải quan trên địa bàn quản lý của Cục Hải quan Hà Nội chia sẻ, là doanh nghiệp chế xuất chuyên sản xuất bản mạch điện tử, thời gian qua công ty nhận được nhiều sự hỗ trợ từ phía Chi cục Hải quan Hòa Lạc và Cục Hải quan Hà Nội.
Tiếp tục nâng cao hiệu quả quản lý
Theo Cục Hải quan Hà Nội, các kỳ đối thoại hải quan-doanh nghiệp là dịp để đơn vị lắng nghe ý kiến đóng góp xây dựng của doanh nghiệp nhằm tiếp tục cải cách, nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác quản lý, hoàn thiện chính sách, chất lượng phục vụ, đồng hành vì sự phát triển của doanh nghiệp làm thủ tục hải quan trên địa bàn.
Bên cạnh đó, những vấn đề trọng tâm cũng được đơn vị lưu ý để đảm bảo doanh nghiệp thực hiện đầy đủ, đúng thủ tục. Trong số đó là lưu ý khi thực hiện danh mục miễn thuế và danh mục đồng bộ đối với hệ thống dây chuyền.
Chẳng hạn đối với máy móc thiết bị miễn thuế, doanh nghiệp cần lưu ý khoản 11 Điều 16 Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu quy định máy móc thiết bị nhập khẩu tạo tài sản cố định của đối tượng được hưởng ưu đãi đầu tư theo quy định pháp luật về đầu tư; tiêu chuẩn tài sản cố định được quy định tại Thông tư 23/2023/TT-BTC ngày 25/4/2023; chủ dự án nộp hồ sơ thông báo danh mục miễn thuế tại cục hải quan theo quy định trước khi đăng ký tờ khai hàng hóa nhập khẩu miễn thuế đầu tiên.
Đối với máy móc thiết bị đồng bộ nhập khẩu miễn thuế, trường hợp doanh nghiệp lựa chọn phân loại hàng hóa đồng bộ, doanh nghiệp thực hiện thủ tục đăng ký danh mục đồng bộ trước khi nhập khẩu lô hàng đầu tiên tại chi cục hải quan thuận tiện nhất. Như vậy, trước khi nhập khẩu lô hàng đầu tiên của máy móc thiết bị đồng bộ miễn thuế, doanh nghiệp phải thông báo danh mục miễn thuế và đăng ký danh mục đồng bộ.
Trường hợp doanh nghiệp lựa chọn phân loại theo từng máy móc, thiết bị thuộc hệ thống dây chuyền, doanh nghiệp không phải đăng ký danh mục đồng bộ, làm thủ tục hải quan tại chi cục hải quan theo quy định và được miễn thuế nếu đáp ứng tiêu chuẩn tạo tài sản cố định theo quy định.