Quy hoạch tổng thể khu vực cửa khẩu cần gắn liền với chuyển đổi số hải quan
(HQ Online) - Hệ thống cửa khẩu biên giới đất liền phát triển nhanh về số lượng và quy mô nhưng để đáp ứng yêu cầu quản lý hiện đại, tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại biên giới, cần tiếp tục xây dựng quy hoạch tổng thể khu vực cửa khẩu gắn liền với chuyển đổi số trong lĩnh vực hải quan.
Ngành Hải quan kiểm soát thủ tục hành chính gắn với chuyển đổi số Doanh nghiệp đề xuất cần sự chuyển đổi số đồng bộ với cơ quan Hải quan Tổng cục Hải quan ban hành Kế hoạch chuyển đổi số năm 2024 |
![]() |
Hoạt động xuất nhập khẩu tại Cửa khẩu quốc tế Tà Lùng (Cao Bằng). Ảnh: T.Bình |
Hạ tầng tại nhiều cửa khẩu còn hạn chế
Theo Tổng cục Hải quan, trong những năm qua, hệ thống cửa khẩu biên giới đất liền phát triển nhanh về số lượng, đa dạng về quy mô và tính chất, đáp ứng nhu cầu qua lại biên giới, cửa khẩu của người, phương tiện, hàng hóa, góp phần tích cực, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, tạo thuận lợi cho hoạt động thông quan tại các tỉnh biên giới cũng như của cả nước.
Tuy nhiên, nhiều cửa khẩu, việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng chưa được quan tâm đúng mức, chưa có các công trình cơ bản như: Quốc môn, nhà kiểm soát liên hợp, kho ngoại quan, khu dịch vụ xuất nhập khẩu và thanh toán quốc tế...; hoặc bố trí khu chức năng, phân luồng kiểm soát chưa phù hợp; một số hạng mục công trình cửa khẩu, nhà kiểm soát liên hợp đã xuống cấp, chưa đảm bảo điều kiện làm việc cho các lực lượng chức năng, chưa tương xứng với việc đầu tư cơ sở hạ tầng và kết nối với quốc gia đối diện.
Căn cứ chiến lược phát triển Hải quan đến năm 2030, đồng thời thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại công văn 245/TTg-KTTH ngày 17/4/2024 về việc tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số trong lĩnh vực hải quan, để đảm bảo việc quy hoạch, xây dựng cơ sở hạ tầng cửa khẩu đáp ứng yêu cầu kiểm tra, kiểm soát, đầu tư lắp đặt trang thiết bị cũng như công tác hiện đại hóa yêu cầu, tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại biên giới, mới đây Tổng cục Hải quan yêu cầu cục hải quan các tỉnh biên giới tiến hành rà soát, đánh giá thực trạng từng cửa khẩu về cơ sở hạ tầng tại các khu vực cửa khẩu thuộc địa bàn quản lý hải quan, bao gồm các khu chức năng, như: Quốc môn, nhà kiểm soát liên hợp, khu vực dành cho kho, bãi phục vụ cho công tác tập kết, kiểm tra, giám sát đối với hàng hóa xuất nhập khẩu, địa điểm lắp đặt các trang thiết bị kiểm tra giám sát như máy soi, cân điện tử..., trung tâm logistics, vị trí lắp đặt barie số 1, barie số 2; điều kiện kết nối giao thông từ cửa khẩu đến các địa phương trong nước; sự đồng bộ về cơ sở hạ tầng giữa hai cửa khẩu ở hai bên biên giới.
Trên cơ sở kết quả rà soát, đánh giá hiện trạng, các đơn vị hải quan phối hợp với các lực lượng chức năng tại cửa khẩu, kiến nghị UBND tỉnh xây dựng quy hoạch tổng thể khu vực cửa khẩu, trong đó cần phân định rõ các khu chức năng, phân luồng giao thông; đối với các khu vực cửa khẩu còn có hộ dân cư sinh sống cần báo cáo UBND tỉnh có kế hoạch giải tỏa hoặc hạn chế để đảm bảo an ninh, trật tự, ngăn chặn nguy cơ buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, đồng thời có biện pháp kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ đối với các hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa của các cư dân sinh sống trong khu vực này.
Tổng cục Hải quan cũng yêu cầu cục hải quan các tỉnh biên giới căn cứ quy hoạch cửa khẩu trên tuyến biên giới đất liền Việt Nam - Trung Quốc, Việt Nam – Campuchia, Việt Nam - Lào thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, cục hải quan các tỉnh biên giới thường xuyên phối hợp, trao đổi với Ban Quản lý khu kinh tế cửa khẩu và các cơ quan có thẩm quyền thuộc UBND tỉnh trong việc xây dựng quy hoạch, theo dõi tiến độ xây dựng cửa khẩu; xác định nhu cầu kho, bãi, địa điểm tập kết, kiểm tra giám sát hải quan theo quy định; chủ động lập kế hoạch, phương án sắp xếp tổ chức bộ máy nhân sự; chuẩn bị về cơ sở hạ tầng, điều kiện làm việc, đề xuất nhu cầu trang bị máy móc thiết bị phục vụ công tác kiểm tra, giám sát hải quan đảm bảo đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ ngay khi cửa khẩu được nâng cấp hoặc đưa vào vận hành, sử dụng gửi về Tổng cục Hải quan để xem xét lập Đề án tuyển dụng bổ sung biên chế, đào tạo nguồn nhân lực và bố trí dự toán ngân sách, tổ chức đầu tư mua sắm theo quy định.
Thường xuyên rà soát, đánh giá để kiến nghị kịp thời
Bên cạnh đó, về điều kiện hoạt động của các khu vực kho, bãi, địa điểm làm thủ tục hải quan tại cửa khẩu, Tổng cục Hải quan cũng yêu cầu các đơn vị thường xuyên kiểm tra, rà soát, đánh giá tình hình hoạt động của các địa điểm tập kết, kiểm tra, giám sát hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, kho ngoại quan và các địa điểm, kho, bãi khác đã được cơ quan Hải quan công nhận.
Trường hợp không có hàng hóa hoặc không duy trì các điều kiện theo quy định như: diện tích, tường rào, camera giám sát, phần mềm quản lý,… yêu cầu doanh nghiệp thực hiện khắc phục, sửa chữa, bổ sung sung đầy đủ các điều kiện trong thời gian 3 tháng kể từ ngày có hiệu lực thông báo, quá thời hạn nêu trên, nếu doanh nghiệp không thực hiện, cục hải quan các tỉnh báo cáo Tổng cục Hải quan để ra quyết định tạm dừng hoặc chấm dứt hoạt động của kho, bãi, địa điểm theo đúng quy định hiện hành.
Đối với các khu vực cửa khẩu có hàng hóa, người, phương tiện vận tải qua lại cửa khẩu phải bố trí đầy đủ lực lượng để giải quyết thủ tục hải quan theo đúng quy định; trường hợp chưa có nhà làm việc kiên cố, địa điểm làm thủ tục hải quan, địa điểm tập kết, kiểm tra, giám sát hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu thì kiến nghị UBND tỉnh bố trí mặt bằng, quỹ đất, kêu gọi xúc tiến đầu tư, đồng thời lập dự toán báo cáo Tổng cục Hải quan để xây dựng kế hoạch bố trí vốn đối ứng đầu tư xây dựng địa điểm làm thủ tục, đầu tư mua sắm máy móc, trang thiết bị phục vụ công tác kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan.
Đặc biệt, đối với khu vực cửa khẩu không có hàng hóa, người, phương tiện vận tải, cục hải quan các tỉnh rà soát báo cáo Tổng cục Hải quan để thống nhất với các bộ, ngành, UBND tỉnh tạm thời chưa bố trí lực lượng, giao cho Bộ đội Biên phòng quản lý, kiểm soát theo quy định hiện hành.