Còn nhiều rào cản trong căng thẳng thương mại Mỹ-EU
(HQ Online)- Hơn 1 tháng sau khi ký kết thỏa thuận tạm ngừng cuộc chiến thương mại giữa Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ, hai bên cuối cùng đã có cuộc gặp cấp cao đầu tiên khi Đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer đến Brussels (Bỉ) và có cuộc gặp với người đồng cấp EU Cecilia Malmstrom.
Đây được xem là cơ hội để hai bên hiện thực hóa những cam kết giữa Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker hồi tháng 7 vừa qua. Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng hai bên sẽ còn phải mất nhiều thời gian để tháo gỡ những vướng mắc còn tồn tại.
Trong một tuyên bố, bà Malmstrom cho rằng đây là cơ hội đầu tiên để hai bên hoàn tất thỏa thuận thương mại đã đạt được cách đây hai tháng. Và trên tinh thần đó, các quan chức Mỹ và EU đã thảo luận các biện pháp nhằm thúc đẩy một thỏa thuận cũng như những kết quả cụ thể trong ngắn hạn và trung hạn, đồng thời xác định các ưu tiên. Hai bên cam kết giữ liên hệ chặt chẽ trong những tuần tới, với kế hoạch gặp gỡ gần nhất giữa bà Malmstrom và ông Lighthizer vào cuối tháng 9 này.
Một cuộc tranh chấp thương mại Mỹ-EU đã nổ ra kể từ sau khi Washington đánh thuế 10% lên các mặt hàng nhôm và 25% đối với thép nhập khẩu từ EU vào tháng 6/2018 vừa qua, bất chấp nỗ lực kéo dài hàng tháng trước đó giữa các nhà lãnh đạo và quan chức EU. Nhằm đáp trả việc Mỹ áp thuế đối với mặt hàng nhôm và thép của EU, từ tháng 6/2018, EU cũng đã chính thức đánh thuế hàng chục sản phẩm của Mỹ. Chưa hết, trong khi quyết định áp mức thuế cao đối với các sản phẩm thép và nhôm của các nước EU xuất khẩu sang thị trường Mỹ vẫn còn đang khiến EU tức giận và tìm cách đáp trả tương xứng, Tổng thống Trump lại tiếp tục đe dọa áp mức thuế 20% đối với mọi xe ô tô lắp ráp tại EU. Đây được xem là "cú đánh hiểm" của Mỹ đối với EU, khi kim ngạch nhập khẩu ô tô của Mỹ từ EU năm 2017 lên tới 43,6 tỷ USD.
Trong bối cảnh đó, vào cuối tháng 7/2018, tại cuộc đàm phán thương mại giữa Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker tại Nhà Trắng, hai bên đã đạt được nhất trí giảm rào cản thương mại, hướng đến mục tiêu không thuế quan, không rào cản phi thuế quan và không trợ cấp ở lĩnh vực hàng công nghiệp không tự động…
Mặc dù vậy, các nhà phân tích cho rằng, việc đạt được thỏa thuận “ngừng chiến” trên phần nào giảm bớt căng thẳng thương mại giữa hai bên trong những tuần gần đây, nhưng điều đó không có nghĩa là cuộc chiến này đã hoàn toàn kết thúc. Ví dụ, theo thỏa thuận, tuy EU và Mỹ đã đồng ý thảo luận về thuế công nghiệp không tự động, khí tự nhiên hóa lỏng và đậu nành, nhưng gần đây Mỹ đã tuyên bố về việc sẽ gây áp lực cho EU để mở ra nhiều thị trường hơn cho nông nghiệp Mỹ - một vấn đề vẫn đang gây tranh cãi ở châu Âu. Bên cạnh đó, EU còn có thêm mối lo ngại về đề xuất tăng thuế của Mỹ đối với mặt hàng ô tô nhập khẩu của EU sẽ làm tổn thương một số quốc gia ở lục địa giàu có này, trong đó gồm cả đầu tàu kinh tế Đức. Ngoài ra, EU cũng đã cảnh báo việc áp thuế nhập khẩu đối với ô tô và linh kiện ô tô của Mỹ có thể dẫn tới các biện pháp trả đũa của các đối tác thương mại trị giá lên tới 294 tỷ USD đối với hàng hóa xuất khẩu của Mỹ vào EU.
Trong bối cảnh thâm hụt thương mại của Mỹ đã lên mức cao kỷ lục, ở mức 50,1 tỷ USD trong tháng 7/2018, tăng khoảng 9,5% so với mức thâm hụt đã được điều chỉnh của tháng 6 là 45,7 tỷ USD, nhiều nhà phân tích cho rằng, Tổng thống Trump có thể sẽ càng có lý do để ông có những bước đi táo bạo hơn trong việc áp đặt mức thuế mới cao hơn đối với EU, như những gì mà Mỹ đang thực hiện với Trung Quốc.
Chính bởi vậy mà người ta cho rằng việc “giảm bớt căng thẳng” mà Mỹ và EU đã cam kết chỉ mang tính biểu tượng và chưa có điều gì được coi là chắc chắn.
Theo tuyên bố của văn phòng Đại diện thương mại Mỹ, các chuyên gia của Mỹ và EU sẽ có cuộc gặp vào tháng 10 tới nhằm xác định các rào cản thuế quan và phi thuế quan có thể được dỡ bỏ, sau đó các quan chức thương mại cấp cao hai bên sẽ gặp vào tháng 11 để hoàn tất các kết quả. |