Hải quan Quảng Ninh xử lý nhiều vụ vi phạm qua thương mại điện tử
(HQ Online) - 3 năm triển khai Kế hoạch số 399 của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia về tăng cường công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong hoạt động thương mại điện tử, Hải quan Quảng Ninh đã phát hiện, bắt giữ, xử lý 25 vụ/21 đối tượng vi phạm; trị giá tang vật vi phạm là 1,36 tỷ đồng.
![]() |
Hải quan Quảng Ninh phối hợp với các lực lượng tiêu hủy hàng hóa vi phạm. |
Theo Cục Hải quan Quảng Ninh, những năm gần đây, các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, người tiêu dùng đang dần thay đổi thói quen mua sắm truyền thống sang mua bán trực tuyến, đã tiềm ẩn nguy cơ các đối tượng lợi dụng hoạt động thương mại điện tử để buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
Các đối tượng thường tập trung vào nhóm hàng hóa có giá trị cao, những mặt hàng do nước ngoài sản xuất được người dân ưa chuộng, các thương hiệu nổi tiếng…
Phương thức, thủ đoạn được các đối tượng sử dụng là lập nhiều tài khoản trên mạng xã hội và chạy quảng cáo, ảnh chụp, video clip sản phẩm và không có địa chỉ, số điện thoại hoặc địa chỉ chung chung, khi khách hàng có nhu cầu thì nhận inbox. Một số đối tượng còn livestream (phát trực tiếp) để chốt bán những sản phẩm hàng hóa không có hóa đơn chứng từ hợp pháp, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Với vai trò cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo 389 Quảng Ninh, Cục Hải quan tỉnh Quảng Ninh đã tham mưu cho UBND tỉnh Quảng Ninh ban hành Kế hoạch tăng cường chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong hoạt động thương mại điện tử; trong đó đề ra 6 nhiệm vụ và giải pháp thực hiện; phân công nhiệm vụ tới từng đơn vị.
Đồng thời, tham mưu cho Ban Chỉ đạo 389 Quảng Ninh ban hành 4 văn bản chỉ đạo các lực lượng thành viên, địa phương triển khai thực hiện kịp thời, hiệu quả công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả trong hoạt động thương mại điện tử trên địa bàn tỉnh.
Qua đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả của lực lượng chức năng trên địa bàn cho thấy, các tổ chức, cá nhân kinh doanh trên thương mại điện tử thường không có cửa hàng cụ thể mà đặt hàng, lấy hàng ở nơi khác sau đó sử dụng dịch vụ cung ứng của các đơn vị vận chuyển, chuyển phát nhanh, thu tiền hộ và trên bao bì đơn hàng không thể hiện địa chỉ của người bán nên công tác phát hiện, xử lý còn chưa triệt để.
Bên cạnh đó, hiện nay, một cá nhân có thể lập nhiều tài khoản mạng xã hội để kinh doanh trong khi lập các tài khoản mạng xã hội không cần định danh cá nhân để xác thực nên khi phát iện các vụ việc vi phạm có liên quan trên thương mại điện tử hoặc nền tảng số gây khó khăn cho các cơ quan quản lý trong việc truy xuất, truy thu thuế, xử lý đối tượng vi phạm.
Một số công ty cung ứng dịch vụ bưu chính, chuyển phát nhanh ngoài việc thực hiện dịch vụ bưu chính, chuyển phát nhanh theo quy định còn ký hợp đồng đại lý ủy quyền cho một số tổ chức, cá nhân khác (không có chức năng bưu chính, chuyển phát) để thực hiện dịch vụ bưu chính, vận chuyển hàng hóa.
Ngoài ra, có một số đại lý ủy quyền vận chuyển đã lợi dụng việc ủy quyền của các công ty có chức năng kinh doanh dịch vụ bưu chính để vận chuyển hàng hóa có nguồn gốc nhập lậu, hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ.
Khi xảy ra vi phạm pháp luật trong vận chuyển hàng hóa không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc hợp pháp, hàng cấm thì chỉ xử lý được các đại lý ủy quyền, không xử lý được các công ty, doanh nghiệp có chức năng kinh doanh dịch vụ bưu chính đã ủy quyền.
Để đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả trong hoạt động thương mại điện tử trong thời gian tới đạt hiệu quả, Cục Hải quan Quảng Ninh tiếp tục quán triệt, triển khai quyết liệt các nội dung chỉ đạo của các cấp về công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại điện tử.
Phát huy vai trò Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo 389 Quảng Ninh, đơn vị chủ động tham mưu cho tỉnh tập trung chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, lực lượng chức năng tiếp tục áp dụng đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ; chú trọng công tác thu thập thông tin, nắm chắc diễn biến tình hình từ sớm, từ xa; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và kiểm soát hoạt động thương mại điện tử.
Bên cạnh đó, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ để kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi kinh doanh hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ qua mạng xã hội và các sàn thương mại điện tử.
Đồng thời, đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật về thương mại điện tử và các hành vi, phương thức, thủ đoạn của các đối tượng buôn lậu, gian lận thương mại, kinh doanh hàng giả trong hoạt động thương mại điện tử.