08:26 | 20/11/2023

Nhiều ngân hàng khó đạt mục tiêu lợi nhuận cả năm 2023

(HQ Online) - Báo cáo tài chính 9 tháng của các ngân hàng đã cho thấy nhiều vấn đề đang cản trở đà tăng trưởng lợi nhuận, nhất là chất lượng tài sản và tín dụng đều suy giảm. Điều này khiến mục tiêu lợi nhuận năm 2023 của không ít ngân hàng trở nên xa vời.

Thu ngoài lãi có là "cứu cánh" cho lợi nhuận ngân hàng? Các doanh nghiệp nhà nước dự kiến thu gần 117.400 tỷ đồng lợi nhuận năm 2023 Tín dụng tăng chậm, nhiều ngân hàng "hụt hơi" lợi nhuận quý 3 Thủ tướng Chính phủ: Phấn đấu đạt kết quả cao nhất các chỉ tiêu năm 2023, tạo đà thuận lợi cho năm 2024
Kết quả thực hiện kế hoạch lợi nhuận cả năm của một số ngân hàng đạt tỷ lệ thấp sau 9 tháng năm 2023. 	Biểu đồ: H.D
Kết quả thực hiện kế hoạch lợi nhuận cả năm của một số ngân hàng đạt tỷ lệ thấp sau 9 tháng năm 2023. Biểu đồ: H.D

Nhiều ngân hàng chưa thực hiện được 50% kế hoạch năm

Thống kê từ báo cáo tài chính của 28 ngân hàng đang niêm yết đã công bố báo cáo tài chính quý 3/2023 thì có tới 8 ngân hàng chưa đạt được 50% kế hoạch lợi nhuận năm 2023 đã được đại hội đồng cổ đông thường niên thông qua. Chẳng hạn như BVBank hiện mới thực hiện được hơn 12%, ABBank cũng mới đạt hơn 23%, VPBank đạt 34,5%, BaoVietBank đạt 35,6%... Bên cạnh đó, mới có 9 ngân hàng hoàn thành được hơn 75% kế hoạch năm, như MB với 76,7%, Techcombank với 77,7%, MSB với gần 83%, HDBank với hơn 84%, Kienlongbank cao nhất khi đạt 91,3%...

Điều cần lưu ý nữa là ngay từ đầu năm, nhiều ngân hàng đã thận trọng hơn khi đặt ra kế hoạch cả năm 2023, thậm chí có ngân hàng đưa ra mục tiêu thấp hơn so với năm 2022 với lý giải lo ngại tác động từ nhiều yếu tố như nhu cầu tín dụng thấp hơn, chi phí tín dụng cao hơn và nợ xấu tăng.

Nên thực tế đến thời điểm hiện nay, những lo ngại này đã thành hiện thực và đang ảnh hưởng mạnh mẽ đến doanh thu, lợi nhuận của nhiều ngân hàng. Như với VPBank, “tham vọng” lớn với mục tiêu 24.000 tỷ đồng đang rất bấp bênh khi mới đạt hơn 1/3 kế hoạch; hay Eximbank cũng đặt mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận tới gần 35% lên 5.000 tỷ đồng, nhưng hết 9 tháng năm 2023 cũng mới đạt hơn 34%.

Theo các chuyên gia, tình hình khó khăn trong nước và quốc tế đã khiến nhu cầu vốn tín dụng sụt giảm. Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN), đến cuối tháng 10/2023, tín dụng đối với nền kinh tế đạt hơn 12,8 triệu tỷ đồng, tăng 7,39% so với cuối năm 2022, còn cách khá xa mục tiêu 14% mà cơ quan này đặt ra từ đầu năm. Tình trạng “thừa tiền” đã khiến các ngân hàng phải chi trả lãi tiền gửi nhiều hơn.

Cụ thể như BIDV đã chi hơn 63.000 tỷ đồng để trả lãi tiền gửi, tăng 61% so với cùng kỳ năm trước. Vietcombank chi 40.565 tỷ đồng, tăng mạnh 76%; SHB chi 26.754 tỷ đồng, tăng 73%; Sacombank chi 23.855 tỷ đồng, tăng mạnh 92%; VPBank cũng tăng tới 112% khi chi trả 19.500 tỷ đồng… Chuyên gia kinh tế TS. Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Tài chính (Học viện Tài chính) cho rằng, lợi nhuận của ngân hàng sẽ ảnh hưởng lớn khi không cho vay được nhưng vẫn phải trả lãi suất cao cho người gửi tiền, khiến nguồn thu từ tín dụng không tăng kịp theo chi phí, dẫn đến thu nhập từ tín dụng tăng thấp hoặc sụt giảm.

Theo báo cáo của Công ty Chứng khoán VNDirect, trong quý 4/2023, các ngân hàng có tỷ trọng cho vay khách hàng doanh nghiệp lớn và hạn mức tăng trưởng tín dụng lớn sẽ duy trì vị thế dẫn đầu về tăng trưởng tín dụng trong ngành. Tuy nhiên, báo cáo dự đoán, tăng trưởng tín dụng cả năm ở mức 10% so với cùng kỳ cho năm 2023.

Còn nhiều yếu tố bào mòn lợi nhuận

Cùng với vấn đề trên, nợ xấu tăng cao đã kéo theo chi phí dự phòng rủi ro tín dụng tăng, bào mòn lợi nhuận. Chẳng hạn, BVBank đã phải để ra hơn 141 tỷ đồng để dự phòng rủi ro tín dụng tính đến cuối quý 3/2023 (tăng 15% so với cùng kỳ), nên lãi trước thuế sau 9 tháng đầu năm chỉ đạt hơn 61 tỷ đồng, giảm 85% so với cùng kỳ năm 2022. TPBank cũng phải dành ra mức chi phí dự phòng gấp 4 lần cùng kỳ năm trước khiến lợi nhuận quý 3 giảm 26%. Techcombank cũng phải dành ra gần 2.287 tỷ đồng để dự phòng rủi ro tín dụng, tăng 84% so cùng kỳ, nhất là khi khối lượng nợ xấu của ngân hàng này đã tăng gấp đôi hồi đầu năm, tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ vay tăng từ 0,74% đầu năm lên 1,4% sau 9 tháng…

Mặt khác, trong năm 2023, các ngân hàng còn phải đối mặt với nhiều cuộc khủng hoảng từ thị trường trái phiếu doanh nghiệp, bán chéo bảo hiểm hay sự “đóng băng” của thị trường bất động sản…

Trong cuộc điều tra xu hướng kinh doanh quý 4/2023 của NHNN, các tổ chức tín dụng đều giảm mức độ kỳ vọng về kết quả kinh doanh và lợi nhuận trong thời gian tới. Theo đó, 82,6% tổ chức tín dụng dự báo lợi nhuận trước thuế năm 2023 tăng trưởng dương so với năm 2022; 13,8% tổ chức tín dụng lo ngại lợi nhuận tăng trưởng âm; 3,7% tổ chức tín dụng ước tính lợi nhuận không thay đổi.

Các chuyên gia nhìn nhận, quý 3 là đáy của khó khăn, lợi nhuận ngân hàng có thể tăng lên khi quý 4 là cao điểm sản xuất kinh doanh cuối năm và có thể sẽ tăng trưởng trở lại từ quý 2/2024, với tình hình kinh tế đã bắt đầu cải thiện thì nhu cầu vay vốn sẽ cao hơn. Nhưng với những ngân hàng có kết quả kinh doanh 9 tháng ở mức thấp so với kế hoạch đề ra thì việc đạt mục tiêu kinh doanh là rất khó khăn, thậm chí phải chấp nhận không hoàn thành kế hoạch.

Hương Dịu

Đường dẫn bài viết: https://haiquanonline.com.vn/nhieu-ngan-hang-kho-dat-muc-tieu-loi-nhuan-ca-nam-2023-180414.html

In bài viết

Bản quyền thuộc về Hải quan Online