Tín dụng tiêu dùng giảm, nợ xấu tăng do khách hàng "bùng nợ"
(HQ Online) - Tín dụng tiêu dùng sụt giảm, nợ xấu tăng, ngoài nguyên nhân từ khó khăn của nền kinh tế, mà còn do khách hàng cố tình "bùng nợ" và hoạt động gian lận ngày càng tinh vi…
Tỷ lệ nợ xấu nhóm công ty tài chính tăng lên mức 9-10% Chú trọng số hóa tài chính tiêu dùng để đẩy lùi tín dụng đen Tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý cho tín dụng tiêu dùng |
Trong Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, có nhấn mạnh tới việc phát triển các sản phẩm cho vay tiêu dùng phù hợp với đối tượng vay tiêu dùng, có mức lãi suất hợp lý, góp phần ngăn chặn “tín dụng đen”.
Vì thế, việc cho vay tiêu dùng qua các kênh chính thức như ngân hàng thương mại, công ty tài chính, các công ty tài chính công nghệ (fintech)… đã và đang đáp ứng nhu cầu vốn chi dùng cá nhân, góp phần tránh cho người dân phải tìm đến "tín dụng đen".
Trong 5 năm gần đây, tín dụng tiêu dùng phát triển với tốc độ tăng trưởng bình quân khoảng 20%/năm. Ước tính tới nay, các công ty tài chính tiêu dùng được cấp phép đã hỗ trợ được khoảng 30 triệu người tiếp cận vốn vay, với dư nợ bình quân khoảng 35-50 triệu đồng/người.
Nhưng trước những khó khăn của nền kinh tế, nên theo số liệu mới nhất của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tính đến ngày 31/7/2023, dư nợ cho vay phục vụ đời sống đạt 2,6 triệu tỷ đồng, tăng 2,93% so với cuối năm 2022, chiếm 21,31% dư nợ nền kinh tế. Nhưng nếu so sánh với mức tăng 22% của cả năm 2022, thì con số 2,93% của 7 tháng đầu năm nay là quá khiêm tốn.
Hơn nữa, theo các chuyên gia, khó khăn của nền kinh tế khiến công nhân, người lao động, người thu nhập thấp - vốn là phân khúc khách hàng chính của công ty tài chính, bị giảm thu nhập, giảm việc làm hoặc thất nghiệp… ảnh hưởng tới khả năng trả nợ sau khi vay vốn của khách hàng.
![]() |
Đại diện cơ quan chức năng và công ty tài chính tại Hội thảo. |
Phát biểu tại Hội thảo “Gỡ khó cho vay tiêu dùng - Đẩy lùi tín dụng đen” tổ chức vào ngày 31/10, ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam chia sẻ, tính đến cuối tháng 8/2023, nợ xấu tín dụng tiêu dùng chiếm tỷ lệ trên 4% tổng dư nợ tín dụng tiêu dùng.
Trong đó, dư nợ cho vay phục vụ nhu cầu đời sống của 16 công ty tài chính là gần 136.000 tỷ đồng (chiếm hơn 5% dư nợ cho cho vay phục vụ đời sống). Tuy nhiên, nợ xấu của các công ty tài chính đến nay đã lên đến 8-10%, cá biệt có công ty nợ xấu lên đến 20% tổng dư nợ, nhiều công ty lâm vào tình trạng khó khăn, thậm chí thua lỗ do phải trích dự phòng rủi ro nợ xấu tăng cao.
Cũng về vấn đề này, ông Lê Quốc Ninh, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Tài chính tiêu dùng cho hay, nửa đầu năm 2023, dư nợ cho vay đã giảm đáng kể với mức giảm 5,1% so với cùng kỳ năm 2022 và 10,2% so với thời điểm cuối năm 2022. Đặc biệt, theo báo cáo của Fiin Group, nợ xấu của nhóm công ty tài chính đã tăng từ mức 10,7% cuối 2022 lên 12,5% tổng dư nợ vào cuối tháng 6/2023.
Tuy nhiên, đi sâu vào phân tích thì ngoài nguyên nhân do bối cảnh kinh tế làm giảm thu nhập của người dân, thì còn nguyên nhân đến từ tư tưởng và kiến thức của người dân về tín dụng tiêu dùng.
Đại diện các công ty tài chính cho biết, tình trạng tín dụng đen "núp bóng" cho vay tiêu dùng, thậm chí mạo danh ngân hàng, công ty tài chính… khiến người vay không phân biệt được đâu là công ty tài chính, fintech được cấp phép chính thống, đâu là "tín dụng đen", kéo theo hiện tượng một số khách hàng lợi dụng những thông tin công ty tài chính bị kiểm tra để tẩy chay, chây ỳ trả nợ thậm chí lan truyền xúi giục nhiều người khác cùng “bùng nợ” trên mạng xã hội càng khiến thị trường vay tiêu dùng bị méo mó.
Ông Nguyễn Quốc Hùng cũng nêu, nhiều khách hàng cố tình không trả nợ, người trước khuyên người sau không trả nợ, thậm chí cán bộ công ty đến đòi nợ hoặc nhắc nợ thì chống đối, tố cáo, vu khống cán bộ là dùng biện pháp manh động để đòi nợ đến chính quyền. Thực trạng đó dẫn đến nợ xấu của các công ty tài chính tiêu dùng tăng cao, cán bộ thu hồi nợ nghỉ việc, các công ty tài chính không thể tiếp tục mở rộng cho vay được, thực tế dự nợ không tăng mà còn giảm.
Do đó, đây chính là "cơ hội" để "tín dụng đen" có đất hoành hành. Nói về “tín dụng đen”, ông Lê Quốc Ninh cho biết, hiện hình thức rất đa dạng như cho vay không cần thế chấp, chỉ thỏa thuận miệng; cho vay dưới hình thức họ, hụi; đồng thời là sử dụng công nghệ cao để lập ra ứng dụng, trang web, các trang mạng xã hội, ứng dụng vay tiền trực tuyến, tiếp cận người vay và cho vay với lãi suất cao.
Thiếu tá Nguyễn Ngọc Sơn, Phó trưởng Phòng 6, Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an cũng nêu, nhiều hình thức cho vay tín dụng qua app với lãi suất lên đến hàng nghìn %. Có khoản vay tưởng chừng rất nhỏ nhưng khoản phí và lãi suất rất cao. Hơn nữa, các đối tượng đã thay đổi thủ đoạn bằng cách hoạt động đơn lẻ, sử dụng tờ rơi, mạng xã hội… để đăng tin quảng cáo, lôi kéo. Tín dụng đen còn núp bóng công nghệ, tạo lập website, ứng dụng giả, nhái…
Đại diện Bộ Công an nhận định, nhu cầu tài chính sẽ càng tăng cao vào dịp cuối năm sắp tới nên "tín dụng đen" sẽ còn diễn biến phức tạp, hệ lụy của "tín dụng đen" nếu không được phát hiện từ sớm sẽ nghiêm trọng, nên cần tăng cường truyền thông để người dân hiểu về tác hại của "tín dụng đen"; đồng thời quan tâm hỗ trợ người lao động, công nhân, nhân dân trong việc tiếp cận vốn vay an toàn... đồng thời sớm triển khai xác thực thông tin xác thực thông tin người vay dựa trên dữ liệu về dân cư, để đảm bảo hạn chế việc người dân giả mạo thông tin để vay tín dụng, cố tình trốn tránh trách nhiệm trả nợ.