Luật Giá (sửa đổi): Tăng cơ sở pháp lý để giám sát, hậu kiểm việc chấp hành pháp luật về giá
(HQ Online) - Luật Giá (sửa đổi) đã được Quốc hội thông qua và dự kiến có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2024. Trong đó, nhiều quy định liên quan đến quản lý việc chấp hành các quy định pháp luật về giá đã được sửa đổi theo hướng chặt chẽ, minh bạch hơn.
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Luật Giá (sửa đổi) sẽ điều chỉnh nhiều vấn đề liên quan đến quản lý, điều tiết giá. Ảnh minh họa: H.Dịu |
Công khai, minh bạch trong kê khai giá, niêm yết giá
Theo đó, nhằm khắc phục cơ bản tồn tại, hạn chế giữa Luật Giá với các luật chuyên ngành, tại Luật Giá sửa đổi đã bổ sung tại Điều 3 về nguyên tắc áp dụng Luật Giá với các luật khác có liên quan. Trong đó, về cơ bản Luật Giá (sửa đổi) sẽ điều chỉnh toàn diện các vấn đề liên quan đến quản lý, điều tiết giá, thẩm định giá, chỉ trừ một số trường hợp rất đặc thù đã có luật riêng điều chỉnh toàn diện thì mới thực hiện theo quy định tại luật chuyên ngành.
Về nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan quản lý nhà nước về giá, trên cơ sở cụ thể hóa nội dung chính sách về việc tăng cường phân công, phân cấp, tại Luật đã bổ sung chương 3 quy định chi tiết, cụ thể các nội dung quản lý nhà nước về giá, nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ, Bộ Tài chính, các bộ, cơ quan ngang bộ và ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
Liên quan đến biện pháp kê khai giá, đây là biện pháp tiếp nhận thông tin để phục vụ cho việc theo dõi diễn biến giá cả thị trường, phục vụ bình ổn giá trong trường hợp cần thiết cũng như là một trong các nguồn thông tin phục vụ cho công tác quản lý, điều hành giá, bình ổn giá nên thông tin giá kê khai sẽ được cập nhập trên cơ sở dữ liệu về giá.
Vì thế, nhằm khắc phục những bất cập hiện hành, Luật Giá (sửa đổi) đã quy định: việc kê khai được tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thực hiện sau khi quyết định giá.
Theo quy định hiện hành, việc kê khai phải được thực hiện trước khi tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ quyết định giá. Đây được đánh giá là một trong những thay đổi căn bản trong biện pháp kê khai giá nhằm tạo thuận lợi cho các đơn vị thực hiện kê khai.
Bên cạnh đó, với vai trò là một hình thức công khai về giá nhằm tăng cường tính minh bạch trong mua, bán trên thị trường, các quy định về niêm yết giá cũng được luật hóa từ nghị định nhằm tăng tính pháp lý cho việc tổ chức thực hiện. Theo đó, Luật mới cơ bản kế thừa các quy định hiện hành song cũng quy định chi tiết hơn đối với một số nội dung phải thực hiện niêm yết cũng như quyền, trách nhiệm của các bên mua, bán hàng hóa, dịch vụ trên thị trường.
Trong văn bản trả lời cử tri mới đây, Bộ Tài chính cho biết, các biện pháp về kê khai giá, niêm yết giá được quy định rõ nhằm đảm bảo các biện pháp kiểm soát gián tiếp đối với giá hàng hóa, dịch vụ; hướng đến tăng cường công khai, minh bạch trong việc mua, bán, đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của các chủ thể kinh tế, trong đó có quyền, lợi ích của người dân, nhất là người dân nghèo.
Quy định cụ thể về kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giá
Cùng với vấn đề trên, công tác tổng hợp, phân tích, dự báo giá thị trường đã được thể chế hóa cụ thể tại một chương của Luật nhằm tạo cơ sở pháp lý cho việc triển khai nhiệm vụ.
Ngoài ra, Luật Giá (sửa đổi) cũng đã luật hóa những quy định về cơ sở dữ liệu về giá để tăng cường cơ sở pháp lý cho việc triển khai xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về giá tại Bộ Tài chính, giúp đảm bảo kết nối với các bộ, ngành, địa phương, phục vụ tốt yêu cầu công tác quản lý nhà nước về giá và nhu cầu xã hội.
Theo quy định thì cơ sở dữ liệu quốc gia về giá được đặt tại Bộ Tài chính, cơ sở dữ liệu về giá của địa phương được đặt tại ủy ban nhân dân tỉnh. Theo Bộ Tài chính, hiện nay, cơ sở dữ liệu quốc gia về giá đã bước đầu công khai một số thông tin về: diễn biến giá các mặt hàng thiết yếu trên toàn quốc (theo quy định của Thông tư số 116/2018/TT-BTC ngày 28/11/2018 của Bộ Tài chính Quy định chế độ báo cáo giá thị trường, đã bao gồm giá một số thiết bị điện tử: máy ảnh, tivi, camera,…), diễn biến CPI, một số thông tin về lĩnh vực thẩm định giá.
Đồng bộ với những vấn đề trên là Chương VII quy định về công tác kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giá, thẩm định giá với các quy định về nguyên tắc, nội dung và trách nhiệm của các đơn vị trong việc triển khai kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giá, thẩm định giá.
Các quy định được đưa ra nhằm tăng cường cơ sở pháp lý cho khâu giám sát, hậu kiểm việc chấp hành của các tổ chức, cá nhân trong tuân thủ quy định của pháp luật về giá.