“Thoái vốn càng nhiều càng tốt”
(HQ Online)- 10 DN dự kiến thoái vốn lần này được đánh giá làm ăn có hiệu quả, nhưng chưa chắc những DN này đã cạnh tranh được và thu lợi nhuận cao khi TPP có hiệu lực.
Phóng viên Báo Hải quan phỏng vấn TS. Ngô Minh Hải, Phó Chủ tịch thường trực Câu lạc bộ DNNN (Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương) xung quanh câu chuyện bán vốn Nhà nước ở các “gà đẻ trứng vàng”.
Ông có bình luận gì về quyết định bán toàn bộ phần vốn Nhà nước tại 10 DN lớn như Vinamilk, FPT…?
Chủ trương này rất đúng. Không những đối với 10 DN này mà tất cả vốn Nhà nước ở các DN khác cũng cần phải được thoái càng nhiều càng tốt. Đầu tiên và quan trọng nhất, khi vận hành nền kinh tế theo cơ chế thị trường, Nhà nước không nên tham gia quản lý và nắm giữ nhiều DNNN. Thực tế đã chứng minh qua nhiều thời kỳ các DNNN ở Việt Nam đa số làm ăn không hiệu quả. Nhiều công trình nghiên cứu, thống kê cho thấy hiện tại DNNN đang nắm giữ phần tài sản Nhà nước cực kỳ lớn, nhưng hoạt động sản xuất kinh doanh lại rất kém hiệu quả, không đem lại lợi nhuận cho nền kinh tế, cho nhân dân như mong đợi. Do đó, thoái vốn Nhà nước khỏi các DN ở bất cứ thời kỳ nào, giai đoạn nào cũng đều hợp lý.
Cũng có ý kiến cho rằng, ở thời điểm hiện tại chủ trương thoái vốn ở 10 DN đang làm ăn có hiệu quả này là vì áp lực nợ công và bội chi ngân sách lớn. Bởi vì, việc thoái vốn này sẽ giúp Nhà nước thu được một lượng ngân sách đáng kể. Theo tính toán của các nhà khoa học, thoái hết vốn Nhà nước ở 10 DN này có thể thu về khoảng 4 tỷ USD, trong ngắn hạn từ nay đến 2016, nguồn tiền này sẽ góp phần giảm áp lực bội chi ngân sách.
Dây chuyền sản xuất ống HDPE của Công ty CP Nhựa Thiếu Niên Tiền Phong |
Mặt khác, hiện nay Việt Nam cùng với các quốc gia khác đã hoàn tất việc đàm phán Hiệp định TPP. Khi TPP được phê chuẩn, các DN Việt có quyền đi ra nước ngoài làm ăn và ngược lại, các DN nước ngoài cũng vào Việt Nam tìm kiếm cơ hội đầu tư, kinh doanh. Khi đó, nếu DN Việt Nam không đủ sức cạnh tranh sẽ trở nên yếu thế. 10 DN dự kiến thoái vốn lần này hiện tại được cho là làm ăn có hiệu quả, đóng góp hàng chục nghìn tỷ đồng vào ngân sách, nhưng khi có các DN nước ngoài trong cùng lĩnh vực kinh doanh đầu tư ở Việt Nam, chắc gì những DN này đã cạnh tranh được và thu lợi nhuận cao như trước. Nếu không cẩn thận, giá trị cổ phần cũng sẽ bị sụt giảm. Cho nên về góc độ kinh doanh, thời điểm này thoái vốn ở những DN này là hợp lý.
Nếu chúng ta tái cơ cấu DNNN sớm hơn, hiệu quả kinh doanh của các DN sau tái cơ cấu sẽ có nhiều khả năng là tốt hơn. Khi những thành phần tham gia quản lý DN không phải là những công chức được Nhà nước cử ra làm đại diện, thì chắc chắn hiệu quả kinh doanh sẽ tốt hơn vì người quản lý sẽ là người bỏ vốn đầu tư kinh doanh, quyền lợi của DN gắn với họ một cách sát sườn hơn. Như vậy, các DN này sẽ vững vàng hơn trước thềm hội nhập TPP.
Ông có nghĩ rằng việc cho phép nhà đầu tư nước ngoài tham gia mua vốn Nhà nước sẽ làm mất đi những thương hiệu Việt?
Riêng cá nhân tôi cho rằng việc cho nhà đầu tư nước ngoài tham gia mua vốn Nhà nước không có gì là bất hợp lý. Bởi vì khi chúng ta đã hội nhập vào sân chơi toàn cầu, sân chơi mở ra cho mọi thành phần kinh tế và mọi đối tác khác nhau. Các nước cũng đối xử với DN Việt Nam như vậy. DN Việt có quyền đi ra nước ngoài và đầu tư vào các nước đó. Tại sao chúng ta phải giữ khư khư không cho phép nhà đầu tư nước ngoài vào mua phần vốn Nhà nước?
Khi nhà đầu tư nước ngoài bỏ tiền ra đầu tư, chắc chắn với công nghệ và khoa học quản lý của họ, có thể người ta sẽ kinh doanh hiệu quả hơn, mang lại lợi ích cho đất nước nhiều hơn là để cho người Việt Nam kinh doanh mà không đem lại hiệu quả. Xa hơn nữa, lợi nhuận đem lại cho người lao động và người dân Việt Nam nói chung chứ không phải lợi ích của riêng những người nắm giữ cổ phần ấy.
Việc rút vốn Nhà nước tại các DN này dường như cũng là một động thái để thời gian tới Nhà nước tập trung nhiều hơn cho công tác điều hành, hoạch định chính sách, thay vì tham gia quá sâu vào công việc kinh doanh của DN, thưa ông?
Đúng thế. Nếu Nhà nước vừa là người điều hành về chính sách, tức vừa tạo luật chơi, vừa tạo ra sân chơi, cũng lại là người chơi thì không khách quan. Cho nên việc Nhà nước rút hết phần vốn góp của mình tại các DN để tập trung làm chính sách sẽ tạo ra một sân chơi bình đẳng, môi trường kinh doanh cạnh tranh hơn, công bằng hơn, minh bạch hơn. Điều này sẽ tạo điều kiện cho các DN phát triển tốt hơn, kể cả DN nước ngoài lẫn DN trong nước. Điều này DN trong nước được thụ hưởng nhiều hơn, đặc biệt với DNNVV, họ có điều kiện vươn lên và có sức cạnh tranh với DN nước ngoài trong thời gian tới.
Xin cảm ơn ông!