Nhiều bộ, ngành đã chuyển động sau khi Bộ trưởng trả lời chất vấn
(HQ Online)- Trả lời phỏng vấn của Báo Hải quan, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội (QH), ông Lê Như Tiến cho rằng, chất vấn chính là xác định trách nhiệm cá nhân, đồng thời dư âm tốt của hậu chất vấn đó là việc chuyển tải từ nhận thức đến hành động và chuyển động ở nhiều bộ, ngành.
Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII đang sôi động với hoạt động chất vấn. Theo ông, làm thế nào để giữ “lửa” cho QH thông qua hoạt động này, đáp ứng nguyện vọng của cử tri cả nước?
Phải khẳng định chất vấn là một hoạt động có ý nghĩa và được sự quan tâm đặc biệt của cử tri và dư luận cả nước. Cứ mỗi phiên chất vấn, cử tri cả nước và dư luận xã hội rất quan tâm và nghị trường cũng nóng lên, cả xã hội cũng nóng lên theo.
Tác dụng tốt của chất vấn chính là làm cho mỗi chủ thể người chất vấn cũng như người được chất vấn thấy rõ trách nhiệm, vị trí của mình. Không phải chỉ là thành viên Chính phủ hoặc những người được chất vấn mà kể cả người chất vấn cũng thấy trách nhiệm của mình, làm sao phải chất vấn cho đúng, trúng vấn đề.
Người được chất vấn là các thành viên Chính phủ và các thành viên khác được chất vấn, bao giờ cũng rất lo lắng, cũng đầy trách nhiệm, tâm huyết và cũng thổn thức nhiều ngày đêm. Khi thành viên Chính phủ và các thành viên trong bộ máy Nhà nước thấy được tên mình trong chất vấn, có vị nói rằng, tôi đứng trước hàng vạn người của Bộ vẫn đâu vào đấy, lưu loát nhưng khi chất vấn trước QH, trước diễn đàn của cả nước, lại thấy lo lắng, hồi hộp, như lâu nay mình làm nhiệm vụ coi thi, chấm thi nay lại là một thí sinh thì có tâm trạng.
Báo cáo về hoạt động chất vấn gửi đến QH vừa qua, Ủy ban Thường vụ QH đề nghị các vị bộ trưởng, trưởng ngành trả lời gắn với trách nhiệm của người đứng đầu. Ông nghĩ như thế nào về điều này?
Chúng tôi cũng rất chia sẻ với các thành viên Chính phủ. Tuy nhiên, theo tôi, chất vấn chính là xem xét đến trách nhiệm cá nhân chứ chất vấn không phải như một số vị hiểu là tìm hiểu tình hình xem bộ đó, hay cơ quan đó thế nào. Chất vấn càng không phải là báo cáo thành tích của bộ mình, ngành mình. Chất vấn chính là xác định trách nhiệm cá nhân, nên nếu có vấn đề của bộ, ngành mình thì trách nhiệm người đứng đầu như thế nào.
Theo như phân tích của ông, đây mới được xem là cốt lõi để giải quyết những tồn tại, thưa ông?
Đó là đích đến, mục tiêu và hiệu quả của chất vấn. Quá trình chất vấn là để xác định trách nhiệm cá nhân để nhận ra, nhận biết, nhận thấy, nhận thức được các vấn đề đặt ra của bộ, ngành đó. Ví dụ nhận thức, nhận thấy được thì mới sửa được. Nhưng điều quan trọng không phải chỉ ở sự tương tác giữa các đại biểu QH với các bộ trưởng, trưởng ngành trong quá trình chất vấn, mà cái chính là hậu chất vấn, việc chuyển tải từ nhận thức đến hành động và chuyển động là cả một vấn đề.
Theo ông, thời gian qua QH đã thực hiện được mục tiêu đó hay chưa?
Rất nhiều bộ trưởng, trưởng ngành thời gian qua sau khi trả lời chất vấn QH, đã chuyển động rất nhanh. Ví dụ như tại các kỳ họp trước, đầu nhiệm kỳ thì các vấn đề như giao thông, ngân hàng có rất nhiều vấn đề, nhưng sau khi chất vấn các đại biểu QH thì các vị bộ trưởng, trưởng ngành đó đã tạo sự chuyển động rất mạnh. Đó chính là hành động và chuyển động. Các vị ấy đã xắn tay vào hành động, tạo nên sự chuyển động.
Là người luôn tâm huyết, theo đến cùng vấn đề khi chất vấn, có khi nào ông chưa hài lòng với trả lời của các vị bộ trưởng, trưởng ngành; và làm thế nào để cử tri theo sát được việc thực hiện lời hứa của các bộ trưởng, thưa ông?
Nếu chưa hài lòng về trả lời chất vấn của bộ trưởng, tôi vẫn tiếp tục chất vấn bằng các hình thức khác như gặp gỡ, tiếp xúc, gửi văn bản gửi đến bộ trưởng ấy để các vị trả lời.
Để cử tri tiếp tục theo dõi việc thực hiện lời hứa của bộ trưởng, sau khi có câu trả lời, tôi cởi mở cung cấp cho báo chí để cử tri được biết.
ĐB Trương Văn Vở (Đồng Nai) đang chất vấn Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn |
Cử tri cho rằng, hoạt động chất vấn của QH nên được đổi mới bằng cách chất vấn theo nhóm vấn đề thay bằng chất vấn các vị bộ trưởng, trưởng ngành nào đó. Có nghĩa, với những nhóm vấn đề “nóng”, các vị Bộ trưởng có liên quan sẽ cùng giải đáp cho dư luận?
Vấn đề này, tôi cũng đã đề cập nhiều lần. Qua chất vấn, tùy từng nhóm vấn đề tôi đều đề nghị cụ thể bộ A, bộ B cùng chia sẻ giải đáp cho tôi và cử tri được biết. Có nghĩa chất vấn 1 bộ trưởng nhưng nhiều bộ phải chia sẻ. Theo tôi là nên thực hiện theo hình thức này.
Theo ông, có nên rút ngắn thời gian xây dựng pháp luật của QH, thay vào đó bằng hoạt động chất vấn tại QH, vì 2,5 ngày dành cho hoạt động chất vấn dường như bao giờ cũng thấy thiếu?
Theo tôi, nên kéo dài thời gian cho chất vấn. Bởi vì như tôi đã phân tích ở trên, thông qua chất vấn, ở nhiều bộ, ngành, hiệu quả từ lời nói đến hành động là không thể phủ nhận được.
Xin cảm ơn ông!