19:02 | 12/07/2021

Doanh nghiệp vận tải đối mặt với “vực sâu” Covid-19

(HQ Online) - Sản lượng vận tải sụt giảm liên tục, nợ vay ngân hàng vẫn phải trả hàng tháng, bên cạnh đó các xe chỉ được chở tối đa 50% số chỗ cũng khiến các doanh nghiệp vận tải như “ngồi trên đống lửa”. Nếu không sớm có các biện pháp hỗ trợ thiết thực và kịp thời, doanh nghiệp vận tải khó có thể tiếp tục duy trì.

Doanh nghiệp vận tải công cộng đề xuất giảm từ 3 đến 5% lãi suất cho vay
Lên phương án giảm giá dịch vụ và các khoản chi phí khác cho doanh nghiệp vận tải
Ưu tiên hình thành doanh nghiệp vận tải thực hiện chuỗi vận tải hoàn chỉnh
Vì sao doanh nghiệp vận tải xe buýt xin tạm ngừng hoạt động?

Đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 bùng phát đã và đang khiến cho các doanh nghiệp vận tải thêm điêu đứng, vì sản lượng khách sụt giảm nghiêm trọng. Đặc biệt mới đây TP Hà Nội đã tạm dừng hoạt động vận tải hành khách công cộng đường bộ từ Hà Nội đến 14 tỉnh (thành phố) và ngược lại, . Điều này càng làm các doanh nghiệp vận tải khó khăn hơn.

Theo đại diện Công ty Cổ phần Mai Linh Miền Bắc, dịch Covid-19 khiến tỷ lệ hành khách di chuyển bằng xe taxi giảm mạnh. Trong khi đó, lượng taxi ngoại tỉnh hoạt động nhiều ở Hà Nội gây ra sự cạnh tranh không lành mạnh khiến các doanh nghiệp taxi Hà Nội khó càng thêm khó.

Cũng đồng tình với thực trạng trên, ông Nguyễn Công Hùng, Chủ tịch Hiệp hội taxi Hà Nội cho biết, dịch Covid-19 bùng phát lần thứ 4 ở nhiều tỉnh thành trên cả nước đã làm cho hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp vận tải taxi lâm vào tình trạng vô cùng khó khăn. Covid-19 đã khiến lượng hành khách giảm đến 80%-90%, doanh thu sụt giảm nghiêm trọng, đời sống người lao động khó khăn. Hàng loạt doanh nghiệp taxi đứng trước nguy cơ phá sản, nợ xấu có nguy cơ tăng cao trong hệ thống ngân hàng. Để giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn, các chính sách hỗ trợ của Nhà nước cần nghiên cứu quy định cụ thể cho những lĩnh vực chịu tác động nặng nề, mức hỗ trợ cần cao hơn, các điều kiện cũng cần đơn giản hơn.

Doanh nghiệp vận tải đối mặt với “vực sâu” Covid-19
Covid-19 đã khiến lượng hành khách giảm đến 80%-90%, doanh thu sụt giảm nghiêm trọng, đời sống người lao động khó khăn. Ảnh: Internet.

Trước thực trạng trên, Hiệp hội taxi ba miền kiến nghị Thủ tướng sớm có chính sách giảm thuế giá trị gia tăng về 0% trong thời gian 6 tháng cho các doanh nghiệp kinh doanh vận tải. Giảm 50% lệ phí trước bạ cho các xe ô tô đăng ký mới để kinh doanh vận tải.

Cũng theo ông Quyền, các doanh nghiệp cũng mong muốn Thủ tướng chỉ đạo hệ thống ngân hàng áp dụng các giải pháp hỗ trợ về vốn cho doanh nghiệp. Cụ thể, giảm từ 3 đến 5% lãi suất cho vay, cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ, cho vay mới để DN bổ sung vốn lưu động khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh.

Đặc biệt, nhà nước cần cho các doanh nghiệp vận tải được miễn nộp phí bảo trì đường bộ đến hết tháng 12/2021. Điều chỉnh tăng thời hạn kiểm định cho xe ô tô kinh doanh vận tải…

Cũng đề xuất về các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp vận tải, ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội cho biết, trong bối cảnh giãn cách, hạn chế di chuyển do dịch, với vận tải hành khách, lượng xe khách đến nay hoạt động chỉ khoảng 20-30%, trên mỗi một chuyến xe chỉ được chở lượng khách không quá 50% số ghế ngồi. Đặc biệt là khi đợt dịch bệnh thứ tư bùng phát vào cuối tháng 4/2021, lượng hành khách đi xe lại càng giảm nhiều hơn.

"Dịch bệnh chưa biết bao giờ mới kết thúc. Chúng tôi muốn kiến nghị Chính phủ tìm giải pháp hiệu quả hơn nữa để hỗ trợ doanh nghiệp. Nợ xấu là một phần, khoanh nợ cũng cần được chú trọng. Nếu không sản xuất, nợ vẫn còn đó, thành nợ xấu, không thể vay mới. Cần giải quyết khoanh nợ để doanh nghiệp tồn tại và phát triển", ông Bùi Danh Liên nhấn mạnh.

Xuân Thảo

Đường dẫn bài viết: https://haiquanonline.com.vn/doanh-nghiep-van-tai-doi-mat-voi-vuc-sau-covid-19-148793.html

In bài viết

Bản quyền thuộc về Hải quan Online