Giám sát đưa hàng về bảo quản chờ kiểm dịch có lỏng lẻo?
(HQ Online) - Việc doanh nghiệp “né” kiểm dịch, tự ý tiêu thụ mặt hàng lợn sống (lợn thịt và lợn giống) đã xảy ra tại một số cửa khẩu các tỉnh miền Trung. Phải chăng việc giám sát hàng hóa trong quá trình vận chuyển lợn từ cửa khẩu về địa điểm cách ly chờ kiểm dịch còn lỏng lẻo, để các đối tượng lợi dụng thu lợi bất chính, thậm chí đe dọa tính mạng người tiêu dùng(?)
![]() |
Hoạt động nhập khẩu lợn qua cửa khẩu quốc tế Lao Bảo, Quảng Trị. Ảnh: Chi cục Hải quan cửa khẩu Lao Bảo cung cấp |
Trong tháng 2 và tháng 4/2021, Chi cục Hải quan cửa khẩu Cha Lo (Cục Hải quan Quảng Bình) đã lần lượt khởi tố vụ án hình sự đối với Công ty Bắc-Trung-Nam và hộ kinh doanh Bùi Văn Huy do tự ý tiêu thụ hàng hóa NK chờ kiểm dịch.
Tháng 6/2021, Chi cục Hải quan cửa khẩu Lao Bảo (Cục Hải quan Quảng Trị) khởi tố Công ty Vinh Phú và Công ty Đại Phong, với cùng thủ đoạn “né” kiểm dịch, tự y tiêu thụ lợn nhập khẩu, trị giá hơn 20 tỷ đồng.
Theo Chi cục Hải quan cửa khẩu Lao Bảo, việc Công ty Vinh Phú và Công ty Đại Phong NK mặt hàng lợn sống thuộc diện phải kiểm tra chuyên ngành (kiểm dịch động vật) nhưng không thực hiện cách ly, kiểm dịch mà tiêu thụ khi hàng hóa chưa hoàn thành thủ tục hải quan (tờ khai chưa thông quan) là vi phạm Luật Quản lý ngoại thương, Luật Hải quan, Luật Thú y.
Theo quy định, lợn sống NK phải thực hiện kiểm dịch, chủ hàng được phép đưa hàng về bảo quản tại địa điểm đăng ký trong nội địa để thực hiện cách ly, kiểm dịch. Hàng hóa NK chịu sự giám sát hải quan cho đến khi cơ quan Hải quan nhận được thông báo kết quả kiểm dịch và có quyết định thông quan hàng hóa. Thời hạn doanh nghiệp nộp kết quả kiểm dịch cho cơ quan Hải quan là 30 ngày (kể từ ngày đưa hàng về bảo quản).
Trong quá trình xử lý các vụ việc trên, Hải quan Quảng Trị nhận thấy, theo Luật Hải quan và Điều 6 Nghị định số 08/2015/NĐ-CP (quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hải quan về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan và kiểm soát hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh, phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh, thông tin có liên quan đến hoạt động quản lý nhà nước về hải quan) thì hàng hóa thuộc đối tượng kiểm tra chuyên ngành được mang về bảo quản chờ thông quan thuộc đối tượng chịu sự giám sát hải quan.
Theo Điều 32 Thông tư 38/2015/TT-BTC của Bộ Tài chính ngày 25/3/2015, quy định hàng hóa phải kiểm dịch: Việc kiểm dịch được thực hiện tại cửa khẩu. Trường hợp cơ quan Kiểm dịch cho phép đưa về các địa điểm kiểm dịch trong nội địa theo quy định của pháp luật để kiểm dịch thì thực hiện việc quản lý, giám sát hải quan như sau: Cơ quan Hải quan căn cứ xác nhận của cơ quan Kiểm dịch tại Giấy đăng ký kiểm dịch để giải quyết cho chủ hàng đưa hàng về địa điểm kiểm dịch. Người khai hải quan tự chịu trách nhiệm trước pháp luật trong việc vận chuyển, bảo quản hàng hóa tại địa điểm kiểm dịch đến khi có kết luận hàng hóa đáp ứng yêu cầu nhập khẩu mới được đưa hàng hóa ra lưu thông, sử dụng. Cơ quan Kiểm dịch có trách nhiệm theo dõi, giám sát hàng hóa trong quá trình vận chuyển, kiểm dịch và bảo quản chờ kết quả kiểm dịch theo quy định của Bộ Y tế và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Tuy nhiên, trong quá trình làm thủ tục kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm đối với hàng hóa NK được mang về bảo quản chờ kết quả kiểm tra chuyên ngành (kiểm dịch động vật) là mặt hàng lợn sống, phát sinh một số vấn đề hiện chưa có hướng dẫn cụ thể.
Cụ thể là, liên quan sửa tờ khai sau thông quan cho hàng hóa mang về bảo quản thuộc đối tượng kiểm tra chuyên ngành sau đó cơ quan Kiểm dịch sửa đổi kết quả kiểm tra chuyên ngành có thay đổi về số lượng hàng hóa NK. Mặt khác, việc xử lý hình sự đối với hành vi tự ý tiêu thụ hàng hóa mang về bảo quản chờ thông quan chưa thống nhất ý kiến giữa Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Công an, thậm chí giữa các đơn vị Hải quan địa phương.
Cục Hải quan Quảng Trị đề xuất Tổng cục Hải quan sớm hoàn thành dự thảo Nghị định quy định về cơ chế quản lý, phương thức, trình tự, thủ tục kiểm tra nhà nước về chất lượng, an toàn thực phẩm với hàng hóa NK. Trong đó, lưu ý các quy định trách nhiệm kiểm tra, giám sát, kiểm soát rủi ro, xử lý hành vi vi phạm đối với hàng hóa được mang về bảo quản chờ kết quả kiểm tra chuyên ngành, tránh chồng chéo giữa các cơ quan chức năng trong quá trình thực hiện chức năng giám sát lô hàng, xử phạt vi phạm hành chính về một hành vi vi phạm.