Cay như hành tím, ngọt như đường...
(HQ Online)- Mấy câu chuyện đang nổi lên trong sản xuất và thương mại: Mặc dù giá bán đường đã giảm 4.000 - 5.0000 đồng/kg so với cách đây 6 tháng, song ngành mía đường đang phải ứng phó với một lượng đường tồn kho khá lớn, đồng thời lại phải chèo chống với nạn nhập lậu đường từ các nước lân cận.
Chưa hết, giá đường của Việt Nam hiện nay cao hơn nhiều quốc gia khác, nên khả năng cạnh tranh trong xuất khẩu rất khó khăn. Cụ thể: với giá thành bình quân hiện nay của đường Việt Nam là 50 USD/tấn thì còn cao hơn cả nhiều nước khác trong ASEAN (như Lào, Thái Lan, Campuchia chỉ khoảng 30 USD/tấn) và càng xa các nước có nền công nghiệp khá hơn như: Braxin 12 USD/tấn, Úc 18USD/tấn ...
Việc phụ thuộc vào nhiệt kế thị trường xuất khẩu cũng đang khiến người nông dân thị xã Vĩnh Châu (Sóc Trăng) phải “cay mắt” vì hàng chục ngàn tấn hành tím đang bị tồn kho. Ngoài nguyên nhân do xuất khẩu sang các nước trong khu vực gặp khó khăn, còn có lý do năm nay nông dân Philippines cũng được mùa hành tím nên khiến cho sản phẩm này càng khó xuất khẩu được tới các nước trong khu vực.
Sáu tháng đầu năm 2014 Việt Nam đã nhập 70.000 con bò Úc, nhiều hơn tổng số bò Úc đã nhập cả năm 2013 và trở thành quốc gia nhập khẩu thịt bò từ Úc (sau Indonesia). Lý do của kỷ lục mới này là do nguồn trâu bò từ các nước láng giềng Thái Lan, Lào, Campuchia năm nay không đủ cung cấp cho nhu cầu nhập khẩu của Việt Nam.
Trước tình trạng giá bán mủ cao su tụt xuống còn quá thấp, nông dân tại các tỉnh Gia Lai, Kon Tum, Đắc Nông, Bình Phước... đã quyết định phá bỏ hàng trăm hécta trồng cây cao su (trong đó có nhiều diện tích đã cho mủ) để chuyển sang trồng loại cây khác.
Nhìn thẳng thực tế, cay như hành tím, ngọt như đường, nhạt nhòa như cao su, tươi như thịt bò Úc... đều đang chung một bài toán về hội nhập kinh tế với thế giới. Theo lộ trình, vào năm 2015 khi Hiệp định Khu vực mậu dịch tư do ASEAN (AFTA) được thực thi, sẽ chấm dứt việc bảo hộ thuế, không chỉ đường, mà nhiều mặt hàng khác từ các quốc gia ASEAN sẽ tràn vào Việt Nam với giá rẻ. Cùng với đó, cuộc cạnh tranh về chất lượng, giá cả của nhiều mặt hàng từ các quốc gia khác vẫn tiếp tục tạo động lực mới, mở rộng thêm cánh cửa nhập khẩu vào nước ta. Để không bị thua ngay trên sân nhà, các ngành sản xuất không chỉ cần đẩy mạnh đầu tư khoa học công nghệ để có năng suất cao, giá thành hạ mà còn phải lo tìm kiếm thị trường phù hợp hơn để thay thế.
Chủ động hội nhập với thế giới bằng chính việc “vẽ” được những con đường luân chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu - phải chăng đó là lời giải chiến lược nhất về giữ sự ổn định trong phát triển?