Thủ tướng gợi ý các doanh nghiệp nêu lên sự trì trệ của các cơ quan nhà nước
(HQ Online) - Sáng ngày 23/12, tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp – “Phát triển mạnh mẽ doanh nghiệp – Hội nhập, hiệu quả, bền vững”.
![]() |
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu khai mạc hội nghị. Ảnh: H.Dịu |
Nền kinh tế không thể hùng cường nếu không có doanh nghiệp
Việt Nam ngày càng nhiều có nền tập đoàn kinh tế tư nhân vững mạnh, khu vực kinh tế Nhà nước được củng cố hiệu quả hơn, có chiến lược rõ ràng hơn. Kinh tế tập thể có mô hình mới, các hợp tác xã hiệu quả. Nhiều doanh nghiệp chuyển hướng đầu tư vào công nghệ, sáng tạo. Nhiều sản phẩm vươn ra thị trường toàn cầu, nhiều doanh nghiệp và doanh nhân vượt khó đi lên khẳng định mình. Nhiều doanh nghiệp bắt đầu đầu tư ra nước ngoài, cho thấy năng lực cạnh tranh quốc tế tăng lên. |
![]() |
Đây là lần thứ 3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị. Hội nghị có sự tham gia của lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương cùng 1.000 đại biểu là các doanh nghiệp, hiệp hội, tổ chức trong nước và quốc tế.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, trong thời đại toàn cầu hóa, đột phá về công nghệ, doanh nghiệp là động lực quan trọng nhất để phát triển kinh tế. Vì doanh nghiệp là nơi tạo ra giá trị gia tăng chủ yếu cho nền kinh tế, là nơi sáng tạo, phát triển mạnh mẽ, đưa khoa học công nghệ vào cuộc sống.
"Chúng ta không thể có nền kinh tế hùng cường, hưng thịnh nếu không có doanh nghiệp. Không thể có nền kinh tế lớn nếu thiếu các thương hiệu nổi tiếng, các doanh nghiệp tầm cỡ, các doanh nhân xuất sắc”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Cũng tại bài phát biểu khai mạc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đưa ra những thông tin về nền kinh tế vĩ mô của Việt Nam. Theo đó, trong bối cảnh nền kinh tế toán cầu suy giảm, tăng trưởng năm 2019 của Việt Nam ước đạt trên 7%, là một trong những quốc gia tăng trưởng cao nhất khi vực châu Á, thậm chí là toàn cầu,
Hơn nữa, môi trường kinh doanh vững chắc với lạm phát thấp, lãi suất, tỷ giá ổn định. Thương mại hàng hóa thặng dư kỷ lục trên 8 tỷ USD, kim ngạch xuất khẩu cán đích trên 500 tỷ USD. Cuộc sống của nhân dân ổn định. Thâm hụt ngân sách, nợ công giảm đáng kể, năng lực tài chính Nhà nước được củng cố. Thu hút dòng vốn quốc tế tiếp tục tăng cao. Tầng lớp trung lưu đang tăng lên nhanh, tạo nên thị trường hấp dẫn cho các doanh nghiệp và nhà đầu tư.
Với những thành quả này, Thủ tướng cho rằng có vai trò quan trọng của cộng đồng doanh nghiệp và doanh nhân Việt Nam. Thủ tướng đã trân trọng cảm ơn những đóng góp này của cộng đồng DN.
Thủ tướng cũng nêu rõ: “Sự lớn mạnh của doanh nghiệp không thể thiếu vai trò của Nhà nước, ngược lại, sự yếu kém của doanh nghiệp có trách nhiệm của nhà nước. Với tinh thần đồng hành cùng doanh nghiệp, Chính phủ kiến tạo phát triển, Chính phủ sẽ giảm rủi ro, chi phí cho doanh nghiệp. Đặc biệt là rủi ro do thể chế chính sách, nhũng nhiễu bộ máy”.
Người đứng đầu Chính phủ cho hay, Việt Nam ngày càng nhiều có nền tập đoàn kinh tế tư nhân vững mạnh, khu vực kinh tế Nhà nước được củng cố hiệu quả hơn, có chiến lược rõ ràng hơn. Kinh tế tập thể có mô hình mới, các hợp tác xã hiệu quả. Nhiều doanh nghiệp chuyển hướng đầu tư vào công nghệ, sáng tạo. Nhiều sản phẩm vươn ra thị trường toàn cầu, nhiều doanh nghiệp và doanh nhân vượt khó đi lên khẳng định mình. Nhiều doanh nghiệp bắt đầu đầu tư ra nước ngoài, cho thấy năng lực cạnh tranh quốc tế tăng lên.
“Chính phủ thấm thía khi mỗi năm có doanh nghiệp giải thể, phá sản"
Nhưng bên cạnh thành công, theo Thủ tướng, các doanh nghiệp Việt Nam còn nhiều khó khăn trở ngại trên con đường phát triển.
“Chính phủ thấm thía khi mỗi năm có doanh nghiệp giải thể, phá sản, nhiều thương hiệu lớn của Việt Nam bị thị trường đào thải”, Thủ tướng cho biết.
Do đó, tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp năm nay, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đưa ra các gợi ý, yêu cầu doanh nghiệp hãy nêu những khó khăn, trở ngại vướng mắc của doanh nghiệp, như quy hoạch, đất đai, tín dụng, lao động, thị trường, công nghệ, thủ tục hành chính thuế, hải quan, giấy phép, xử lý nước thải… đặc biệt là vấn đề thanh kiểm tra chồng lấn, kéo dài gây khó khăn cho doanh nghiệp, tình trạng cơ quan nhà nước nhũng nhiễu, dọa nạt khi doanh nghiệp có ý kiến trái chiều về chính sách…
Ngoài ra, Thủ tướng yêu cầu nêu lên sự trì trệ của nhiều bộ, ngành địa phương, tình trạng “đá qua đá lại” gây mất thời gian cho doanh nghiệp. Doanh nghiệp cũng cần chỉ rõ văn bản của bộ, ngành nào bất hợp lý, gây khó khăn cho môi trường kinh doanh, trái với thông lệ quốc tế…
Thủ tướng cũng yêu cầu nêu lên sức ép, thách thức, khó khăn của doanh nghiệp trong bối cảnh kinh tế quốc tế suy giảm, đề xuất vai trò kiến tạo của Chính phủ giúp doanh nghiệp tăng sức đề kháng, tăng sức cạnh tranh… Đề xuất những đột phá về cơ chế chính sách, nâng cấ nội địa hóa, tham gia vào chuỗi giá trị…
Ngoài ra, Thủ tướng đề nghị doanh nghiệp đề xuất giải pháp cải thiện nâng cao sự tương tác, năng lực phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương một cách đồng bộ, khuyến khích cơ chế thu hút đầu tư hiệu quả.
“Các doanh nghiệp phải có tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, nhưng doanh nghiệp không được làm ẩu, không được vi phạm pháp luật. Các cơ quan như thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, công an… phải thực sự trân trọng quyền con người, quyền kinh doanh theo hiến pháp, theo tinh thần thực sự cởi trói, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển lành mạnh”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.
Vì thế, Thủ tướng cho biết, Chính phủ sẽ lắng nghe tiếp thu, đồng thời bảo vệ ý kiến trung thực, trách nhiệm. Sau Hội nghị sẽ có nghị quyết của Chính phủ về định hướng tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.