Áp lực lạm phát vẫn hiện hữu
Bóng ma lạm phát vẫn đeo đẳng kinh tế thế giới Giá dầu tăng mạnh do xung đột chính trị sẽ gây áp lực cho lạm phát |
Các yếu tố gây áp lực lạm phát vẫn tiềm ẩn như giá dầu và giá hàng hóa thế giới còn cao. Ảnh: Mỹ Phương/TTXVN |
Vẫn ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng, kiểm soát lạm phát
Trình bày báo cáo kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; dự kiến Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khoá XV, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã phân tích rõ tình hình thế giới và trong nước, trong đó nhấn mạnh kinh tế - xã hội tiếp tục xu hướng phục hồi, tháng sau tích cực hơn tháng trước, quý sau cao hơn quý trước, cơ bản đạt được mục tiêu tổng quát đề ra và nhiều kết quả quan trọng trên các lĩnh vực; tiếp tục là điểm sáng của kinh tế toàn cầu. Trên cơ sở kết quả của 9 tháng, ước cả năm 2023 phấn đấu có ít nhất 10/15 chỉ tiêu đạt và vượt mục tiêu đề ra.
TS. Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế tài chính:
Các yếu tố về cung tiền, lãi suất và tổng cầu không chỉ khiến lạm phát được kiềm chế trong 9 tháng đầu năm 2023, mà còn tiếp tục có tác động kiềm chế tốc độ tăng CPI trong những tháng cuối năm. Bên cạnh đó, các nguy cơ xảy ra các cú sốc về cung như giá dầu, tỉ giá giống năm 2022 cũng không cao, thuận lợi cho việc kiềm chế lạm phát. Về giá dầu, với nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu đang gia tăng (có thể xảy ra vào cuối năm 2023 hoặc đầu năm 2024), giá dầu nhiều khả năng sẽ tiếp tục xu hướng giảm như đã diễn ra trong vòng 1 năm qua, hoặc ít nhất sẽ không tăng mạnh. Lạm phát trung bình trong năm 2023 được dự báo xoay quanh mức 3,5%. Mục tiêu kiểm soát lạm phát 2023 khoảng 4,5% hay thậm chí dưới 4% là hoàn toàn khả thi. Nguyên nhân khiến mục tiêu kiểm soát lạm phát năm 2023 được đặt ở mức 4,5%, cao hơn năm trước, do mục tiêu này được đưa ra tháng 10-11/2022 để Quốc hội thông qua. Thời điểm đó, áp lực tỷ giá rất lớn. Theo tính toán, tỷ giá tăng 1% thì CPI tăng 0,3%. Tuy nhiên, hiện tỷ giá giảm khá mạnh thì áp lực lạm phát cũng theo đó sẽ giảm đáng kể. Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú:
Giá cả thị trường 9 tháng đầu năm diễn biến "êm dịu", nguyên nhân đến từ việc sức mua yếu, nguồn cung dồi dào. Dự báo mục tiêu CPI cả năm cao nhất sẽ đạt ở mức 3,8 - 4% và lạm phát dưới 4% là có thể đạt được, góp phần vào việc ổn định kinh tế vĩ mô. Tuy nhiên, thị trường bán lẻ vẫn tồn tại nhiều bất cập khi giá từ tay người sản xuất rất rẻ thì qua các khâu trung gian phân phối đến tay người tiêu dùng lại cao, làm cho sức mua yếu. Do đó, cần quản lý một cách chặt chẽ tránh những điều hành đột biến không có lợi cho thị trường và giá cả chung, đặc biệt là các mặt hàng là đầu vào của xã hội như xăng dầu, than, điện. Để đạt được mục tiêu kiềm chế lạm phát, các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp của Chính phủ cần tiếp tục thực hiện nhanh, dễ tiếp cận trong những tháng cuối năm. PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh, Học viện Tài chính:
Một bài học cũ nhưng luôn mới là phải tránh được tâm lý lạm phát kỳ vọng, loại bỏ được các tin đồn thất thiệt gây hoang mang tâm lý, ảnh hưởng xấu tới mặt bằng giá cả. Theo đó, bên cạnh việc tăng cường công tác tuyên truyền về điều hành giá cả thì cần tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động giá cả, thị trường, tránh hoặc xử lý kịp thời tình trạng “té nước theo mưa” của một số chủ thể nhất là với các hàng hóa, dịch vụ thiết yếu. Để kiểm soát lạm phát trong những tháng cuối năm 2023, các mặt hàng Nhà nước định giá, các dịch vụ công đang triển khai lộ trình thị trường (y tế, giáo dục, điện) cần được điều chỉnh vào thời điểm phù hợp. Xuân Thảo (ghi) |
Theo Thủ tướng, trước khó khăn Chính phủ tiếp tục ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng, giữ ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Các giải pháp đưa ra sẽ thúc đẩy 3 động lực tăng trưởng, gồm đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu. "Chính phủ nỗ lực đưa ra nhiều giải pháp để tăng trưởng GDP năm nay đạt trên 5%; lạm phát khoảng 3,5%-4%", Thủ tướng khẳng định.
Trao đổi với phóng viên Tạp chí Hải quan, nhận định về mục tiêu kiểm soát lạm phát trong năm nay, bà Nguyễn Thu Oanh, Vụ trưởng Vụ Thống kê giá (Tổng cục Thống kê) cho rằng, với CPI bình quân 9 tháng năm 2023 tăng 3,16% so với bình quân cùng kỳ năm 2022, có thể “yên tâm” với khả năng kiểm soát lạm phát theo mục tiêu Quốc hội đề ra.
Đánh giá về những yếu tố sẽ ảnh hưởng đến lạm phát trong những tháng còn lại của năm, bà Nguyễn Thu Oanh cho biết, lương cơ bản tăng 20% từ ngày 1/7/2023 đã và sẽ tác động đến giá các hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng; dịch vụ du lịch tiếp đà phục hồi trở lại sau khi dịch bệnh được kiểm soát. Cùng với đó, giá các mặt hàng thực phẩm, đồ uống, may mặc tăng theo quy luật vào thời điểm đầu năm và cuối năm do nhu cầu mua sắm trong dịp tết Dương lịch, tết Nguyên đán và các lễ hội, giá dịch vụ y tế dự kiến sẽ tăng theo mức lương cơ bản. Giá xăng dầu thế giới đang có xu hướng tăng trở lại. Giá gạo trong nước có xu hướng tăng theo giá gạo xuất khẩu... Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, sự thuận lợi cho kiểm soát lạm phát trong nước là lạm phát toàn cầu hạ nhiệt trong năm 2023 giúp Việt Nam giảm bớt áp lực từ kênh nhập khẩu lạm phát, đồng thời giúp cải thiện yếu tố tâm lý, kỳ vọng, hỗ trợ kiểm soát lạm phát năm 2023.
Đồng tình với quan điểm trên, chuyên gia kinh tế, TS Cấn Văn Lực cũng cho rằng, với xu hướng hạ nhiệt khá rõ nét trong 9 tháng đầu năm, dự báo CPI bình quân cả năm 2023 sẽ ở mức dưới 3,5%, thấp hơn mức mục tiêu 4,5%, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và tạo dư địa chính sách thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, các yếu tố gây áp lực lạm phát vẫn tiềm ẩn như giá dầu và giá hàng hóa thế giới dù hạ nhiệt song còn cao; hiệu ứng giảm giá xăng dầu và giá nguyên vật liệu nhập khẩu đến các nhóm hàng hóa khác chậm hơn so với hiệu ứng tăng giá của các mặt hàng do nhà nước quản lý như: giá điện, lương cơ sở, dịch vụ y tế, giáo dục. Ngoài ra, cung tiền, tín dụng, vòng quay tiền và tổng cầu sẽ tăng cao hơn vào chu kỳ cuối năm 2023 và giai đoạn 2024-2025, cùng với đà phục hồi của kinh tế thế giới và Việt Nam.
3 kịch bản cho giai đoạn 2023-2025
Trong những tháng cuối cùng của năm 2023, Vụ trưởng Vụ Thống kê giá kiến nghị Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương theo dõi chặt chẽ diễn biến giá cả, lạm phát trên thế giới, kịp thời cảnh báo các nguy cơ ảnh hưởng đến giá cả, lạm phát của Việt Nam; chuẩn bị đầy đủ nguồn hàng nhằm đảm bảo đáp ứng kịp thời nhu cầu của người dân, nhất là các mặt hàng lương thực, thực phẩm, hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng thiết yếu. Bên cạnh đó, cần kiểm soát giá nguyên vật liệu đầu vào, tăng cường sử dụng nguồn nguyên liệu trong nước dần thay thế nguồn nhập khẩu.
“Hiện nay còn dư địa cho việc điều chỉnh các loại giá dịch vụ do Nhà nước quản lý trong những tháng cuối năm, nhưng cần quyết định mức độ và thời điểm điều chỉnh hợp lý, phù hợp, tránh gây cộng hưởng lạm phát chi phí đẩy, tạo ra lạm phát kỳ vọng của nền kinh tế. Đồng thời, Chính phủ tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, thận trọng, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra sẽ là những giải pháp quan trọng để kiềm chế lạm phát trong thời gian tới”, Vụ trưởng Vụ Thống kê giá kiến nghị.
Dự báo về xu hướng giá tiêu dùng cũng như lạm phát trong giai đoạn 2023-2025, TS Cấn Văn Lực phân tích, với các yếu tố hỗ trợ đang chiếm ưu thế như xu hướng hạ nhiệt của giá hàng hóa – dịch vụ thế giới, sự chủ động, đảm bảo nguồn cung các mặt hàng thiết yếu; lộ trình tăng giá các mặt hàng do Nhà nước quản lý được điều tiết hợp lý, lãi suất giảm, tỷ giá cơ bản ổn định, cung tiền vừa phải và vòng quay còn chậm,… CPI bình quân giai đoạn từ năm 2023-2025 dự kiến ở mức 3,6-3,8% (kịch bản cơ sở) và CPI bình quân giai đoạn 5 năm 2021-2025 ở mức 3,1-3,2%, tương đương giai đoạn 2016-2020 và duy trì mức ổn định dài hạn dưới 4%.
Ở kịch bản tích cực, CPI bình quân giai đoạn năm 2023-2025 dự kiến tăng 3-3,3% khi giá xăng dầu giảm mạnh nhờ giá hàng hóa thế giới thấp hơn dự kiến; giá nhiều hàng hóa thiết yếu giảm nhờ các biện pháp chủ động, hiệu quả trong lưu thông, điều tiết giá cả hàng hóa, ổn định tâm lý người dân, giữ vững vị thế an ninh lương thực và an ninh năng lượng; giá các mặt hàng do Nhà nước quản lý tăng thấp hơn dự kiến (dưới 5%), tăng trưởng tín dụng thấp hơn kịch bản cơ sở (chỉ khoảng 9-10%) song vẫn đảm bảo tăng trưởng, tỷ giá ổn định, mức độ tác động của yếu tố tiền tệ tới CPI khá nhỏ.
Còn với kịch bản tiêu cực, CPI bình quân giai đoạn năm 2023-2025 có thể tăng 3,5 - 4% (hoặc có thể cao hơn) nếu tính đến giá xăng dầu trong nước tăng (do dư địa giảm thuế phí thu hẹp, giá dầu thế giới ở mức cao hơn dự báo hoặc mức giảm chỉ dưới 5%); giá một số mặt hàng tiêu dùng gia đình tăng (nhu cầu tăng, thu nhập tăng cùng với đà phục hồi kinh tế; chi phí vận tải, logistics tăng trở lại...); giá các mặt hàng do Nhà nước quản lý tăng mạnh hơn dự kiến (cao hơn 5% và tăng cùng một thời điểm); cung tiền, tỷ giá tăng cao hơn kịch bản cơ sở, tác động làm CPI tăng thêm 0,4 - 0,6% hoặc cao hơn.
Lạm phát sẽ khoảng 3-3,5%
Theo TS. Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, trong những tháng còn lại của năm 2023, dự báo giá lương thực, thực phẩm, nhà ở đi thuê, vật liệu bảo dưỡng nhà ở, dịch vụ y tế sẽ tăng; giá xăng dầu và giá gas giảm; giá dịch vụ giáo dục không tăng. Khi đó, dự báo lạm phát bình quân cả năm trong khoảng từ 3-3,5%, thấp hơn 1% so với mục tiêu 4,5% đã được Quốc hội thông qua. Lạm phát của nền kinh tế có xu hướng giảm dần với chỉ số CPI bình quân 9 tháng năm 2023 ở mức 3,16%, tuy vậy, lạm phát cơ bản tăng 4,49%. Ông đánh giá gì về những con số trên? Thị trường hàng hoá thế giới trong 9 tháng năm 2023 có nhiều biến động, tổng cầu thế giới còn yếu, hàng rào bảo hộ có xu hướng gia tăng. Mỹ, Liên minh châu Âu và một số quốc gia tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ thắt chặt nhằm đưa lạm phát dần về mức mục tiêu. Bên cạnh đó, chỉ số giá lương thực thế giới trong 6 tháng đầu năm 2023 đã giảm xuống mức đáy và bắt đầu tăng trở lại trong tháng 7/2023 do lo ngại hiện tượng El Nino phá hoại mùa màng, thời tiết cực đoan diễn ra ở nhiều nơi, bão lũ, thiên tai xảy ra tại nhiều quốc gia và bất ổn địa chính trị đã đặt an ninh lương thực toàn cầu trước thách thức mới. Ngày 11/8/2023, Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) đã nâng dự báo nhu cầu dầu mỏ toàn cầu năm 2023 lên mức kỷ lục 102,2 triệu thùng/ngày. Nguồn cung thắt chặt đã tạo động lực cho đà đi lên của giá dầu mỏ. Trong phiên giao dịch ngày 10/8, giá dầu Brent đã tăng lên mức 88 USD/thùng, cũng là mức cao nhất kể từ đầu năm đến nay. Tuy nhiên, bình quân 8 tháng năm 2023, giá dầu Brent vẫn giảm gần 22% so cùng kỳ năm trước. IEA cảnh báo trữ lượng dầu thế giới có thể giảm mạnh trong giai đoạn còn lại của năm 2023, dẫn đến việc giá cả tiếp tục leo thang. Trong bối cảnh đó, chỉ số CPI bình quân 9 tháng năm 2023 của Việt Nam tăng 3,16% do giá lương thực, thực phẩm, giáo dục, nhà ở và vật liệu xây dựng... tăng. Lạm phát cơ bản bình quân 9 tháng tăng 4,49% so với cùng kỳ năm 2022, cao hơn mức lạm phát bình quân chung do giá một số mặt hàng như: xăng dầu, gas giảm khiến lạm phát tổng thể giảm nhưng thuộc nhóm hàng được loại trừ trong danh mục tính lạm phát cơ bản. Đồng thời, một số mặt hàng chiếm tỷ trọng lớn trong tính toán lạm phát cơ bản có xu hướng tăng như nhà ở đi thuê tăng 21 tháng liên tiếp; ăn uống ngoài gia đình tăng 29 tháng liên tiếp. Với xu hướng lạm phát bình quân giảm dần qua các tháng, ông dự báo gì về lạm phát cả năm 2023? Do tổng cầu tiêu dùng còn yếu; các địa phương thực hiện chương trình khuyến mại, giảm giá nhằm kích cầu tiêu dùng; đặc biệt, giá của một số hàng hoá và dịch vụ chiến lược do nhà nước quản lý không điều chỉnh tăng như dịch vụ giáo dục và y tế, giá điện bán lẻ chỉ tăng ở mức thấp. Bên cạnh đó, lạm phát thế giới hạ nhiệt làm giảm áp lực lạm phát đối với kinh tế Việt Nam. Đó là những nguyên nhân khiến cho xu hướng lạm phát bình quân của những tháng sau giảm so với những tháng trước. Trong những tháng còn lại của năm 2023, dự báo giá lương thực, thực phẩm, nhà ở đi thuê, vật liệu bảo dưỡng nhà ở, dịch vụ y tế sẽ tăng; giá xăng dầu và giá gas giảm; giá dịch vụ giáo dục không tăng. Khi đó, dự báo lạm phát bình quân cả năm trong khoảng từ 3-3,5%, thấp hơn 1% so với mục tiêu 4,5% đã được Quốc hội thông qua. Ông có đề xuất gì về việc điều hành giá trong những tháng còn lại của năm 2023? Các cơ quan quản lý nhà nước cần tận dụng dư địa này có được trong năm 2023 để điều chỉnh kịp thời giá các mặt hàng do Nhà nước quản lý. Cụ thể là điều chỉnh giá dịch vụ giáo dục, dịch vụ y tế để giúp các đơn vị trong ngành giáo dục và y tế hoạt động ổn định. Đồng thời, cũng là giảm bớt áp lực dồn tích phải điều chỉnh giá các mặt hàng này với biên độ lớn trong các năm tiếp theo và để không lặp lại bất cập như đối với giá điện bán lẻ trong thời gian qua. Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Y tế và Bộ Tài chính cùng các bộ, ngành liên quan cũng tính toán, thống nhất trình Chính phủ điều chỉnh phí dịch vụ giáo dục, dịch vụ y tế, góp phần giảm bớt khó khăn cho đội ngũ viên chức của hai ngành này. Trong bối cảnh biến đổi khí hậu, thời tiết kém thuận lợi diễn ra tại nhiều quốc gia có thể ảnh hưởng tới nguồn cung lương thực, thực phẩm toàn cầu; giá lương thực thế giới đã tăng cao trở lại, gia tăng nhu cầu nhập khẩu gạo của Việt Nam. Đồng thời, giá thực phẩm có xu hướng tăng cao vào những tháng cuối năm do nhu cầu tiêu dùng tăng và do dịch bệnh trên vật nuôi. Vì vậy, Chính phủ tiếp tục thực hiện giải pháp đảm bảo cân đối cung - cầu thị trường, đặc biệt là nhóm lương thực, thực phẩm đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo an sinh xã hội và tránh việc tăng cục bộ tại một vài địa phương, từ đó gây gia tăng kỳ vọng lạm phát. Ngoài ra, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần có biện pháp để hạn chế giá thức ăn chăn nuôi tăng cao gây áp lực cho người chăn nuôi. Bởi, điều này gia tăng khả năng bỏ chuồng, ảnh hưởng tới nguồn cung thực phẩm trong những tháng cuối năm. Xăng dầu là nhiên liệu quan trọng nên cần đảm bảo nguồn cung mặt hàng xăng dầu và cân đối nguồn điện để đảm bảo nguồn nhiên liệu cho sản xuất và tiêu dùng, đảm bảo an sinh xã hội. Khi giá xăng dầu thế giới tăng cao, Chính phủ dùng quỹ bình ổn giá xăng dầu, giảm thuế nhập khẩu để giữ ổn định giá tránh việc tăng giá xăng dầu quá cao. Đồng thời, hỗ trợ giá cho một số ngành có chi phí xăng dầu chiếm tỷ trọng lớn trong chi phí sản xuất. Cùng với đó, Chính phủ cần làm tốt công tác truyền thông để tránh việc tạo ra kỳ vọng lạm phát, đẩy mặt bằng giá tăng lên tại một số thời điểm diễn biến kinh tế thế giới và trong nước bất lợi. Xin cảm ơn ông! Xuân Thảo (thực hiện) |
Tin liên quan
Quyết tâm cao độ, nỗ lực lớn và hành động quyết liệt cho tăng trưởng 8% trở lên
19:57 | 05/02/2025 Kinh tế
Kinh tế - xã hội đạt nhiều chỉ số tích cực ngay từ tháng đầu năm 2025
19:33 | 05/02/2025 Sự kiện - Vấn đề
Doanh nghiệp linh hoạt khai thác cơ hội “vàng” xuất khẩu trong năm 2025
10:48 | 05/02/2025 Doanh nghiệp - Doanh nhân
WGC: Bất ổn về địa chính trị và kinh tế có thể làm tăng nhu cầu về vàng trong năm 2025
19:54 | 05/02/2025 Kinh tế
Phó Thống đốc NHNN: Nếu tăng trưởng đến 10% thì tín dụng phải tăng 18-20%
19:39 | 05/02/2025 Kinh tế
Giữ thị trường xuất khẩu tôm trong năm 2025
15:18 | 05/02/2025 Kinh tế
Xuất khẩu tăng 1 tỷ USD trong 15 ngày đầu năm
09:38 | 05/02/2025 Xuất nhập khẩu
Mỹ hay Trung Quốc giữ ngôi đầu nhập khẩu cá tra Việt Nam?
13:54 | 04/02/2025 Kinh tế
15 ngày đầu năm 2025 tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt hơn 34 tỷ USD
10:07 | 04/02/2025 Xuất nhập khẩu
Khai thác giá trị văn hóa của sản phẩm để chinh phục khách hàng quốc tế
10:29 | 02/02/2025 Kinh tế
Sẵn sàng cho sự bứt phá của cụm cảng Cái Mép - Thị Vải
10:31 | 01/02/2025 Kinh tế
FTA - bệ phóng cho xuất khẩu Việt Nam
15:07 | 31/01/2025 Kinh tế
Diện mạo mới của nông nghiệp Việt Nam
20:45 | 30/01/2025 Kinh tế
Tấp nập tàu chở hàng hóa cập cảng những ngày đầu năm mới
20:45 | 30/01/2025 Kinh tế
Logistics xanh: Hướng đi tất yếu của doanh nghiệp trong kỷ nguyên số
17:32 | 28/01/2025 Kinh tế
4 thị trường mục tiêu và tiềm năng của thủy sản Việt Nam năm 2025
10:16 | 24/01/2025 Kinh tế
Vấn đề Bạn quan tâm
Tin mới
Quyết tâm cao độ, nỗ lực lớn và hành động quyết liệt cho tăng trưởng 8% trở lên
TP Hồ Chí Minh: Khách nước ngoài mua hơn 1.500 tỷ đồng hàng hóa mang theo khi xuất cảnh
WGC: Bất ổn về địa chính trị và kinh tế có thể làm tăng nhu cầu về vàng trong năm 2025
Năm giải pháp phát triển thị trường chứng khoán năm 2025
Transerco tiếp tục nâng cao chất lượng phục vụ hành khách
(Infographics) Tổng thu từ xuất nhập khẩu các tỉnh, thành vùng Tây Nguyên
10:50 | 15/12/2024 Hải quan
(INFOGRAPHICS) Kim ngạch hơn 67 tỷ USD, Hàn Quốc là đối tác thương mại lớn thứ 3 của Việt Nam
11:29 | 04/12/2024 Infographics
(INFOGRAPHICS): Tiêu chí lựa chọn doanh nghiệp tham gia chương trình tự nguyện tuân thủ
16:30 | 06/12/2024 Infographics
(INFOGRAPHICS) Tổng thu từ XNK các tỉnh vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ
16:33 | 06/12/2024 Xuất nhập khẩu
(INFOGRAPHICS) 66 tỷ USD kim ngạch xuất nhập khẩu tháng 11
14:29 | 12/12/2024 Infographics