Lo mất mối xuất khẩu, doanh nghiệp muốn sớm tiêm vắc xin, linh hoạt làm thêm

(HQ Online) - Các doanh nghiệp công nghiệp kiến nghị được ưu tiên sớm tiêm vắc xin; áp dụng linh hoạt quy định về giờ làm thêm trong thời kỳ dịch bệnh. Các tỉnh nên xem xét lùi thời điểm tăng giá thuê đất phục vụ sản xuất, kinh doanh.
Hầu hết doanh nghiệp trong khu công nghiệp tại Bắc Giang hoạt động trở lại từ 1/7
5 tháng đầu năm, sản xuất công nghiệp tăng 9,9%
Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 4 tăng hơn 24%
Dệt may là ngành hàng đã và đang tận dụng tốt cơ hội từ UKVFTA.  	Ảnh: Nguyễn Thanh
Doanh nghiệp dệt may là đối tượng điển hình mong muốn được sớm tiêm vắc xin Covid-19 và áp dụng linh hoạt quy định về giờ làm thêm trong thời kỳ dịch bệnh. Ảnh: Nguyễn Thanh

Theo đánh giá của Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) và nhiều hiệp hội ngành hàng, trong những tháng đầu năm, các doanh nghiệp công nghiệp đã quay trở lại nhịp độ sản xuất kinh doanh như trước và kỳ vọng năm 2021 sẽ đạt mức tương đương thời điểm trước khi xảy ra dịch bệnh.

Tuy nhiên, khi dịch Covid-19 bùng phát trở lại từ cuối tháng 4/2021, tập trung chủ yếu ở các tỉnh có số lượng lớn khu công nghiệp, doanh nghiệp chế biến chế tạo đã khiến hoạt động sản xuất bị gián đoạn. Nhiều doanh nghiệp phải dừng sản xuất, ảnh hưởng đến tiến độ giao hàng, đặc biệt là các đơn hàng xuất khẩu.

Nếu không có giải pháp giúp doanh nghiệp sớm quay trở lại sản xuất ngay cả khi dịch bệnh chưa được kiểm soát hoàn toàn, khách hàng sẽ dừng, huỷ đơn hàng để chuyển sang nước khác. Đến khi dịch được kiểm soát, doanh nghiệp khó có thể nối lại các mối quan hệ kinh doanh đã mất.

Bên cạnh đó, các biện pháp hạn chế đi lại, hạn chế lưu thông của các địa phương đã làm đứt gãy chuỗi cung ứng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Sự gián đoạn, đứt gãy chuỗi sản xuất của các doanh nghiệp dẫn đến sự gián đoạn của luồng tiền phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh, tạo ra áp lực tài chính lớn cho doanh nghiệp.

Một trong những vấn đề nổi cộm khác cũng ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp là thiếu sự đồng bộ, nhất quán trong các quy định, chính sách áp dụng của các địa phương.

Đặc trưng của ngành công nghiệp là tính kết nối sản xuất theo chuỗi không phân biệt địa giới hành chính. Do đó, khi các địa phương áp dụng các chính sách, quy định khác nhau về giãn cách, kiểm soát lưu thông hàng hoá, quy định về thực phẩm thiết yếu… càng gây thêm khó khăn cho doanh nghiệp trong giao dịch, lưu thông hàng hoá.

Chẳng hạn, đồ uống không được xếp vào nhóm hàng hoá thiết yếu nên không được lưu chuyển đến đại lý bán hàng, trong khi đó đồ uống thường có thời hạn sử dụng ngắn, khoảng 2-3 tháng. Nếu tình hình dịch bệnh kéo dài, hàng hoá không được lưu thông sẽ hết hạn sử dụng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến kết quả kinh doanh của doanh nghiệp.

“Mặt hàng sữa được xếp vào nhóm hàng hoá thiết yếu ở tỉnh này, nhưng không thuộc nhóm hàng hoá thiết yếu ở tỉnh khác nên các doanh nghiệp sữa cũng không thể giao hàng đến đại lý”, đại diện Cục Công nghiệp cho hay.

Trong buổi làm việc trực tuyến giữa lãnh đạo Cục Công nghiệp với 11 hiệp hội các ngành hàng công nghiệp vừa diễn ra, các hiệp hội, ngành hàng thống nhất đề xuất một loạt giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn.

Thứ nhất, cần ưu tiên cho các doanh nghiệp sớm được tiêm vắc xin (có thể cân nhắc trên cơ sở doanh nghiệp tự chịu chi phí) nhằm đảm bảo an toàn cho người lao động và để doanh nghiệp có thể sớm quay trở lại ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh.

Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt Nam thậm chí còn kiến nghị, đưa các đối tượng trong ngành logistics thuộc diện ưu tiên cao hơn trong danh sách tiêm vắc xin nhằm đảm bảo dòng lưu thông hàng hoá được thông suốt.

Thứ hai, bổ sung các mặt hàng thực phẩm kể cả đồ uống, sữa…và các nguyên liệu, dịch vụ (bao gồm cả dịch vụ bảo dưỡng, sửa chữa…) phục vụ sản xuất kinh doanh trong ngành chế biến chế tạo là các mặt hàng, dịch vụ thiết yếu phục vụ tiêu dùng, sản xuất nhằm tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và cho quá trình lưu thông hàng hoá.

Thứ ba, áp dụng linh hoạt quy định về giờ làm thêm trong thời kỳ dịch bệnh, cho phép doanh nghiệp có thể làm thêm nhiều hơn quy định trong tháng nhưng vẫn đảm bảo không quá tổng thời gian làm thêm trong cả năm. Do nghỉ dịch lâu nên khi quay lại sản xuất, các doanh nghiệp phải làm tăng ca cho kịp tiến độ giao hàng.

Thứ tư, nhằm giảm áp lực tài chính cho doanh nghiệp trong thời kỳ dịch bệnh và tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh, các tỉnh nên xem xét lùi thời điểm tăng giá thuê đất phục vụ sản xuất, kinh doanh.

Các tổ chức tài chính xem xét tăng hạn mức tín dụng cho doanh nghiệp do giá các mặt hàng đầu vào nhập khẩu đều bị tăng giá do đại dịch khiến hạn mức hiện tại không đảm bảo thu mua đủ nguồn cung cho doanh nghiệp.

Thứ năm, các địa phương nên trao đổi với các hiệp hội, doanh nghiệp trên địa bàn và thống nhất các quy định giữa các địa phương nhằm tránh tình trạng cát cứ gây ách tắc lưu thông hàng hoá, gián đoạn chuỗi sản xuất…

Ý kiến bạn đọc

Liên quan

Đọc tiếp

Ứng dụng công nghệ AI, sản phẩm của TECHPRO nhận giải thưởng Sao Khuê 2024

Ứng dụng công nghệ AI, sản phẩm của TECHPRO nhận giải thưởng Sao Khuê 2024

(HQ Online) - Bằng việc áp dụng các công nghệ mới từ trí tuệ nhân tạo (AI), nhận diện khuôn mặt… sản phẩm giải pháp quản lý sảnh Smart Visitor Meeting Solution (VIME) của Công ty Cổ phần Phát triển công nghệ TECHPRO đã vinh dự nhận giải thưởng Sao Khuê 2024 tại hạng mục Quản trị doanh nghiệp.
Tiếp tục "tranh cãi" về khởi xướng điều tra chống bán phá giá thép HRC nhập khẩu

Tiếp tục "tranh cãi" về khởi xướng điều tra chống bán phá giá thép HRC nhập khẩu

(HQ Online) - Trong văn bản lần thứ 3, tập thể 12 doanh nghiệp tôn mạ và ống thép Việt Nam chiếm 85% thị phần toàn ngành đã tiếp tục phản đối việc nộp đơn đề nghị khởi xướng điều tra và áp thuế chống bán phá giá đối với HRC nhập khẩu từ Trung Quốc. Nhưng theo lãnh đạo Tập đoàn Hòa Phát (HPG), việc này nhằm ủng hộ sản xuất trong nước.

Đọc nhiều