Dòng tiền chảy mạnh vào thị trường, doanh nghiệp sẽ hưởng lợi?

(HQ Online) - Dòng tiền đang đổ mạnh ra thị trường nhờ những động thái từ nới hạn mức tăng trưởng tín dụng cho một số ngân hàng, biến động thị trường chứng khoán… Liệu rằng điều này có giúp doanh nghiệp được hưởng lợi, có thêm nguồn vốn cho sản xuất.
Để dòng vốn tìm đúng “địa chỉ”
Rủi ro ngắn hạn vẫn ở mức thấp, dòng tiền chưa rút ra khỏi thị trường
Thứ trưởng Bộ Tài chính: Đảm bảo dòng tiền không bị đứt gãy

Tăng cung tiền

Mới đây nhất, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã nới hạn mức tăng trưởng (room) tín dụng cho một số ngân hàng, mức cao nhất lên tới hơn 23% cho cả ngân hàng có vốn nhà nước và ngân hàng thương mại tư nhân. Tính chung thì hạn mức tín dụng trong năm 2021 của các ngân hàng đã được nới lên 13,8%

Theo nhận định của Công ty Chứng khoán BIDV (BSC), việc nới room tín dụng giúp ngân hàng có thêm dư địa tăng tín dụng trong mùa cao điểm, trong điều kiện nhiều ngân hàng đã chạm trần tín dụng sau 9 tháng năm 2021. Ngoài ra, việc mở cửa trở lại của nền kinh tế từ đầu quý 4 cũng giúp các doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, kéo nhu cầu tín dụng cuối năm tăng cao.

Dòng tiền chảy mạnh vào thị trường, doanh nghiệp sẽ hưởng lợi?
NHNN cấp mới hạn mức tăng trưởng tín dụng cho một số ngân hàng trong quý 4.

Chính vì thế, theo NHNN, đến 25/11, dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế đã tăng 10,1% so với cuối năm 2020. Như vậy, chỉ trong tháng 11, các ngân hàng thương mại đã cung cấp khoảng 126,6 nghìn tỷ đồng tín dụng ra thị trường – gần gấp đôi so với tháng 10 và gấp 3 lần so với thời điểm giữa năm (tháng 8 và 9). Các chuyên gia đánh giá, tín dụng tăng trưởng tốt là tín hiệu cho thấy nền kinh tế đang đi đúng hướng cho việc phục hồi sau đại dịch, cùng với sự cải thiện của số liệu vĩ mô tháng 11. Điều này sẽ tạo thành những tác động tích cực tới hoạt động của các doanh nghiệp.

Không chỉ ngân hàng, dòng tiền tại các lĩnh vực khác cũng đang chảy vào thị trường nhiều hơn. Trên thị trường chứng khoán, những phiên lao dốc mạnh lên tới 40 điểm, nhưng sau đó lại tăng mạnh trở lại như vừa qua cũng phần nào cho thấy tâm lý nhà đầu tư đang thiếu vắng thông tin hỗ trợ, những nhà đầu tư “dè dặt” có thể chuyển dòng tiền đến những “hầm trú ẩn” tài sản an toàn hơn, trong đó có bất động sản.

Còn dư địa hỗ trợ doanh nghiệp

Nhờ nguồn cung tiền dồi dào ra thị trường, cũng như những biện pháp hỗ trợ từ cơ quan quản lý, các doanh nghiệp đã được hưởng lợi nhờ các gói kích thích tín dụng của ngân hàng.

Ông Nguyễn Trọng Tĩnh, Giám đốc trung tâm kênh phân phối và bán hàng của MSB cho biết, ngân hàng đang thực hiện một gói giải pháp toàn diện dành cho đối tượng trọng điểm là các doanh nghiệp lĩnh vực xuất nhập khẩu. Cụ thể, MSB cho vay tín chấp các doanh nghiệp nhỏ và vừa tổng hạn mức 200 tỷ đồng, số tiền vay đến 100 tỷ đồng với đảm bảo bằng các hợp đồng đầu ra. Không những thế, mới đây, MSB còn đưa ra gói giải pháp tài trợ vốn không tài sản bảo đảm tăng thêm đến 10 tỷ đồng cho doanh nghiệp ngành hàng tiêu dùng nhanh…

Hoạt động giao dịch tại MSB.
Các ngân hàng đã đưa ra nhiều gói giải pháp ưu đãi tín dụng cho doanh nghiệp.

Tương tự, Sacombank cũng dành 20.000 tỷ đồng đến hết ngày 31/12/2021 cho vay doanh nghiệp, cá nhân vay vốn tháo gỡ khó khăn do Covid-19 với lãi suất từ 4,5%/năm, kỳ hạn 3 tháng; 5,5%/năm với thời hạn 6 tháng; Agribank cũng dành 20.000 tỷ đồng, lãi suất 6,5 - 7%/năm, hạn mức vay tối đa 4 tỷ đồng, thời gian vay 12 tháng, vay thấu chi qua thẻ tại khu vực nông nghiệp phục vụ chi tiêu đột xuất như thanh toán vật tư nông nghiệp, thanh toán dịch vụ công…; VietinBank cũng giảm lãi suất cho vay còn 5,2%/năm cho khách hàng doanh nghiệp nhỏ và vừa để trả lương cho người lao động…

Đáng chú ý, tổng số tiền lãi giảm lũy kế từ ngày 15/7/2021 đến 31/10/2021 của 16 ngân hàng đồng thuận giảm lãi suất đạt 15.559 tỷ đồng, bằng 75,48% so với cam kết. Điều này cũng cho thấy nỗ lực của ngân hàng trong việc giảm lãi vay cho khách hàng, dù áp lực nợ xấu tăng, trích dự phòng cao.

Bên cạnh tín dụng, doanh nghiệp còn được hưởng lợi khi thanh khoản trên thị trường tiền tệ được ổn định, nhất là các doanh nghiệp xuất nhập khẩu với tỷ giá không có nhiều biến động mạnh.

Trong chia sẻ mới đây, TS. Trương Văn Phước, nguyên quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia cho rằng, với mức lạm phát có khả năng dưới 3% đến cuối năm 2021, NHNN có thể giảm lãi suất điều hành ít nhất 1%, mở rộng và nới lỏng điều kiện cho vay tái chiết khấu, tái cấp vốn..., nhờ đó mà đưa lãi suất cho vay thương mại bình quân giảm xuống.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia đã cảnh báo, dư địa cho chính sách tiền tệ không còn nhiều, nhất là trước áp lực lạm phát và ngân hàng cần tăng lãi suất huy động để hút tiền gửi. Bởi trong thời gian qua, lãi suất huy động ở mức thấp đã khiến dòng tiền nhàn rỗi chảy ra ra khỏi ngân hàng, tìm đến các kênh đầu tư khác hấp dẫn hơn. Nhưng thị trường bất động sản “nóng” lên có thể khiến tín dụng chảy “lệch hướng” dù đã có nhiều biện pháp để kiềm chế.

Mặt khác, dù nguồn cung tiền có thể dồi dào, nhưng để doanh nghiệp thực sự tận dụng được cũng không phải là vấn đề dễ dàng.

Theo chuyên gia kinh tế TS. Lê Duy Bình, phần lớn doanh nghiệp nhỏ hoạt động tự phát, không có chiến lược cụ thể, thiếu cách tiếp cận nguồn vốn sản xuất. Do đó, khi gặp phải khủng hoảng, khả năng chống chịu càng kém, nhu cầu vốn càng tăng. Tuy nhiên, đa số không thể tiếp cận với vốn vay của ngân hàng, nhất là các doanh nghiệp trong ngành dịch vụ, do khó đảm bảo tài sản thế chấp, chưa kể hệ thống sổ sách thiếu minh bạch, chưa đáp ứng yêu cầu về kiểm toán.

Vì thế, để tăng khả năng vay vốn, vị chuyên gia này cho rằng, doanh nghiệp phải chủ động xây dựng hồ sơ tài chính vững, tổ chức tài chính cần thay đổi, nới lỏng điều kiện cho vay. Ngân hàng cần điều chỉnh các sản phẩm để phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp vừa và nhỏ ở các lĩnh vực khác nhau, hoặc lựa chọn hình thức cho vay theo chuỗi dựa trên chuỗi giá trị hoặc chuỗi cung ứng…

Ý kiến bạn đọc

Liên quan

SHB năm thứ hai liên tiếp được vinh danh Ngân hàng có hoạt động tài trợ bền vững tốt nhất

SHB năm thứ hai liên tiếp được vinh danh Ngân hàng có hoạt động tài trợ bền vững tốt nhất

(HQ Online) - SHB lần thứ hai liên tiếp là đại diện duy nhất tại Châu Á - Thái Bình Dương được Global Finance vinh danh là “Ngân hàng có hoạt động Tài trợ Bền vững tốt nhất 2024”. Tín dụng xanh tại SHB 2023 tăng trưởng ấn tượng so với năm 2022, qua đó, khẳng định vị thế là một trong số các ngân hàng TMCP tư nhân tích cực cho vay xanh tại Việt Nam.

Đọc tiếp

Techcombank thông qua mục tiêu lợi nhuận 27.100 tỷ đồng, tăng gấp đôi vốn điều lệ

Techcombank thông qua mục tiêu lợi nhuận 27.100 tỷ đồng, tăng gấp đôi vốn điều lệ

(HQ Online) - Tại Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2024 của Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank) vào ngày 20/4, Chủ tịch HĐQT Hồ Hùng Anh cho biết, Techcombank cũng đang xem xét tìm kiếm nhà đầu tư, đối tác chiến lược để tìm cơ hội gia tăng lợi ích cho cổ đông.
Cảng Chu Lai: Kết nối nông sản Việt ra thị trường thế giới

Cảng Chu Lai: Kết nối nông sản Việt ra thị trường thế giới

Với mục tiêu đưa cảng Chu Lai trở thành trung tâm kết nối logistics, thúc đẩy tiêu thụ, xuất khẩu nông sản trong nước, Công ty Giao nhận Vận chuyển Quốc tế Trường Hải (THILOGI) đã triển khai nhiều giải pháp nhằm kết nối hoạt động giao nhận vận chuyển đường bộ - cảng biển - đường biển, tối ưu hóa chuỗi giá trị xuất khẩu nông sản.

Đọc nhiều